Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng nghiệp cho học sinh: Tại sao phụ huynh chưa mặn mà?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong giờ thực hành. Ảnh: D.B
Hiện nay nhận thức của phụ huynh về vấn đề phân luồng – hướng nghiệp cho học sinh đã được nâng cao, nhưng kết quả mang lại thì chưa như mong muốn…
Nguyên nhân do đâu?
Nhiều năm qua, ngành  GD-ĐT TP.HCM luôn quan tâm phát triển hoạt động phân luồng – hướng nghiệp bằng nhiều hình thức tại các trường THCS, THPT trên địa  bàn  thành phố. Từ năm 2009, cứ vào tháng 4  và tháng 9 hàng năm, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai tổ chức các đợt tư vấn hướng nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin về những ngành nghề mà các trường TC đang đào tạo cho học sinh lớp 9. Ngoài ra, các trường TC cũng trực tiếp đến trường THCS thông tin cho các em biết những ngành nghề nào thu hút nhân lực trong tương lai, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và liên thông lên CĐ, ĐH. “Qua các buổi tư vấn phân luồng – hướng nghiệp như thế, phụ huynh và học sinh đã hiểu rõ hơn trong việc định hướng và chọn nghề nghiệp cho tương lai sau THCS là đặc biệt cần thiết”, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Lưu Đức Tiến – Phó trưởng phòng GDCN & ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM): “Nhiều phụ huynh vẫn muốn con em mình phải thi vào ĐH, CĐ dù biết năng lực còn hạn chế. Hiện tượng này được cho là chạy theo bằng cấp…”. Trong khi đó, TS. Ngô Văn Hai – Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ – khẳng định: “Tôi cũng như các thầy cô ngồi đây (tại hội thảo “Phân luồng học sinh sau trung học” – PV), đã có ai dám khẳng định: Chỉ cho con theo học trường nghề khi biết được năng lực thật sự của con, hay vẫn có suy nghĩ “bằng mọi giá động viên cho con thi vào ĐH hoặc CĐ””.
Ông Nguyễn Hữu Danh – Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM – tâm tư: “Phân luồng – hướng nghiệp mà mạnh ai nấy làm, không hướng học sinh quan tâm đến vấn đề xã hội đang cần, chỉ nhăm nhăm quảng cáo về trường mình, nói xấu trường bạn… Vậy thì ai tin mà gửi con em theo học các trường nghề?”. 
Đổi mới công tác hướng nghiệp
“Khi tư vấn cho phụ huynh và học sinh, các trường cần phải hiểu: Hướng nghiệp chứ không phải hướng trường! Bên cạnh đó, đối tượng để phân luồng – hướng nghiệp là con em những gia đình khó khăn, muốn thu hút được đối tượng này, các trường TC phải thay đổi căn bản, toàn diện: Cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên giỏi và đặc biệt là chế độ, chính sách cho người học nghề phải được ưu tiên… Nếu giải quyết được những vấn đề trên, chắc chắn các trường nghề không thiếu người học”, ông Nguyễn Hữu Danh hiến kế.
Ông Lê Văn Kiệm – Hiệu trưởng Trường TC Nghề Tôn Đức Thắng – bày tỏ: “Đến năm 2017, các trường ĐH mới không được tuyển sinh hệ TC nhưng bây giờ nhiều trường đã “lách” bằng cách mua lại trường TC hoặc thành lập trường TC trong trường ĐH. Bộ GD-ĐT cần có biện pháp cứng rắn với những trường ĐH đang làm theo cách này. Chấm dứt ngay việc cho các trường ĐH tiếp tục tuyển sinh hệ TC, tăng cường quản lý giáo dục nghề nghiệp để nâng cao về cơ sở vật chất, chất lượng dạy học…”. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường TC Cửu Long (nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) – cho rằng: “Phân luồng là phải định hướng được nghề nghiệp, có những biện pháp, chính sách hợp lý cho người học nghề. Bộ GD-ĐT phải hiến kế cho Nhà nước: Khu vực nào thì hướng học sinh học nghề, khu vực nào thì chuyên sâu về khoa học – kỹ thuật và khu vực nào về văn hóa – xã hội – kinh tế…”.
Ông Nguyễn Minh Thành – Chủ tịch Hội Dạy nghề TP – chia sẻ: “Ước mong của phụ huynh là làm sao cho con em mình có nghề, có việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân. Như vậy xã hội không quay lưng với chủ trương phân luồng nhưng khi xem xét, tính toán từ thực tế thì còn nhiều vấn đề chưa rõ, thiếu tin tưởng. Vì vậy, thôi đành chọn con đường quyết thi vào ĐH, năm này trượt, năm sau thi tiếp… Cho nên, phê phán “tâm lý ĐH” không phải là không có căn cứ nhưng cần xem nhiều mặt để hiểu rõ xã hội hơn, giúp cho chúng ta có những giải pháp phù hợp”.
Hiện nay, do thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên am hiểu tâm lý học sinh cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp – khu chế xuất nên gây trở ngại cho công tác phân luồng – hướng nghiệp trong trường phổ thông. Hệ thống trường nghề, trường TC hiện chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với các trường THCS, THPT để giới thiệu về chương trình đào tạo cũng như cơ hội tham gia thị trường lao động. Do đó, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội: Không nên chú trọng học nghề theo giá trị bằng cấp, vì để tham gia được thị trường lao động thì phải có năng lực hành nghề. Do đó bản thân học sinh cần chọn nghề học theo năng lực, điều kiện và xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Quang Huy
“Bộ GD-ĐT phải hiến kế cho Nhà nước: Khu vực nào thì hướng học sinh học nghề, khu vực nào thì chuyên sâu về khoa học – kỹ thuật và khu vực nào về văn hóa – xã hội – kinh tế…”, PGS.TS Nguyễn Văn Hanh – Hiệu trưởng Trường TC Cửu Long nói.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)