Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Hướng nghiệp cho học sinh THCS Bà Rịa Vũng Tàu

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng kinh tế trọng điểm nên trong tương lai cần rất nhiều nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Sau THCS, dù các em học THPT công lập hay hướng đi nào thì đích đến cuối cùng là thành công. Điều quan trọng là các em phải có sự nỗ lực và không ngừng cố gắng, rèn luyện để đạt được đích đến đó.


Học sinh 10 trường THCS thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tham dự chương trình tư vấn tại điểm Trường THCS Huỳnh Khương Ninh

Đây là nhắn gửi của các chuyên gia trong chương trình tư vấn “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại 2 trường thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gồm: THCS Huỳnh Khương Ninh và THCS Kim Đồng. Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cùng sự đồng hành của Trường THCS-THPT Hồng Hà và nhiều trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX; trường trung cấp, cao đẳng…

Cần nhiều nhân lực

Tư vấn cho các em học sinh, bà Nguyễn Thị Mai Liên (Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu) cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu có thế mạnh về công nghiệp, du lịch, nông nghiệp… Hàng năm, tỉnh đóng góp tới 60% GDP cho cả nước. Chính vì lẽ đó các em phải chuẩn bị hành trang từ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có tri thức, năng lực, kỹ năng… trở thành nguồn nhân lực giúp địa phương ngày càng phát triển. “Theo đề án phân luồng học sinh sau THCS trong năm học này của TP.Vũng Tàu, học sinh vào các trường THPT công lập chỉ còn 60%. Như vậy có nghĩa là những học sinh không đậu vào trường THPT công lập phải chọn ngã rẻ khác. Do vậy, các em cần xác định nghề nghiệp cho bản thân thông qua các tiêu chí: Bản thân thích gì, có năng lực gì, nguyện vọng trong tương lai là gì… để chọn hướng đi cho phù hợp”, bà Liên khuyên.


Học sinh nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc

Đối với những học sinh thi vào THPT công lập, bà Liên lưu ý, việc đăng ký nguyện vọng phải dựa trên chỉ tiêu của từng trường, các tổ hợp môn tự chọn, số lớp… Việc của các em là phải tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng, nhất là ở việc chọn tổ hợp môn tự chọn. Bởi vì lí do nào đó các em thay đổi lựa chọn cũng đồng nghĩa với việc học sinh xin chuyển trường đến ngôi trường mới không có tổ hợp môn đã học ở trường cũ. “Nếu học hết lớp 10, học sinh muốn chuyển sang định hướng khác (chẳng hạn chuyển từ tổ hợp môn khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên) là vô cùng khó khăn vì khi đó các em phải học lại hầu hết các môn lựa chọn ở lớp 10 trong khi chỉ trong khoảng thời gian nghỉ hè khó có thể hoàn thành. Tốt nhất ngay từ đầu các em học sinh và phụ huynh phải tìm hiểu thông tin thật kỹ thông qua sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường”, bà Liên cho biết.  

Theo ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động), có nhiều con đường sau THCS như: Học THPT công lập, trường ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trường trung cấp, cao đẳng… Mọi con đường đều đi đến đích đó là làm sao trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của Bà Rịa – Vũng Tàu. “Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những ngành nghề rất cần lao động như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, du lịch, sư phạm, công nghệ cao, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…. Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng như: Kỹ năng công nghệ, kỹ năng ngoại ngữ để hội nhập toàn cầu”, ông Tuấn chia sẻ.

Nhiều ngã rẽ

Giải đáp về lớp chuyên Anh cho học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, cô Lữ Thị Trà Giang (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cho biết, năm nay trường tuyển sinh 3 lớp chuyên Anh với số lượng khoảng 350-380 thí sinh. Những em được xếp vào lớp chuyên Anh đầu tiên là học sinh có điểm cao, những em có giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh.

Để học sinh có thêm lựa chọn, TS. Nguyễn Quốc Cường (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS-THPT Hồng Hà) cho hay, năm nay trường tuyển sinh trên 25 lớp 10 với 1.000 chỉ tiêu. Trường nổi bật trong việc đào tạo học sinh giỏi, mỗi năm trường có từ 50-60 học sinh giỏi cấp thành phố. Bên cạnh đó trường có nhiều câu lạc bộ: Câu lạc bộ bóng đá, câu lạc bộ bóng bàn, cầu long, võ, âm nhạc… “Để trúng tuyển vào trường, học sinh không cần thi xét tuyển vì trường xét học bạ. Thời gian xét tuyển là trung tuần tháng 5 và trung tuần tháng 7 tới”, TS. Cường thông báo.


Đại diện ban tư vấn thông tin thêm cho học sinh Trường THCS Kim Đồng

Thông tin về chương trình 9+ cho học sinh, ông Nguyễn Lâm (Phó Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật  – Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, năm học này trường tuyển sinh khoảng 1.100 chỉ tiêu hệ trung cấp 9+. Đây là cơ hội cho những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Trường có nhiều ngành nghề như: Cơ khí chế tạo máy, công nghệ thông tin, chế biến món ăn, thiết kế thời trang… thời gian đào tạo 2 năm. Với hệ này, các em sẽ vừa học văn hóa vừa học nghề, tốt nghiệp nhận 2 văn bằng là chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông và bằng trung cấp và có thể liên thông lên đại học.

Để học sinh lựa chọn đúng hướng đi, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn khuyên, đây là giai đoạn học sinh nên thống nhất với cha mẹ để định hướng con đường sau THCS. Phụ huynh nên trò chuyện cùng con, tìm hiểu khả năng học tập của con. Bản thân học sinh phải biết hoàn cảnh, điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn đúng.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)