Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: Gắn với hoạt động trải nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT mới đây đã ban hành Dự thảo Thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Nếu được thông qua, Thông tư sẽ thay thế cho Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 9-12-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp.


Thông qua các hoạt động trải nghiệm là cách hướng nghiệp cho học sinh tiểu học. Trong hình: Học sinh Trường TH Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) tham gia trong CLB Bếp nhí

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo là mở rộng đối tượng học sinh tiểu học trong giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp. Đây được xem như là bước đặt nền móng cho công tác hướng nghiệp ở các cấp học sau.

Đưa vào hoạt động giảng dạy của nhà trường

Với công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học sinh tiểu học, dự thảo thông tư nêu rõ, nội dung này có nhiệm vụ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động thường ngày tại gia đình và nhà trường. Rèn luyện bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản: kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình cộng đồng. Phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh. Để triển khai công tác này, Bộ đưa ra các hình thức triển khai: tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT nhà trường, tổ chức cho học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/ năm học. Tổ chức tư vấn đánh giá năng khiếu cho học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp ở bậc tiểu học, Dự thảo chỉ ra công tác này sẽ có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục học sinh sớm nhận biết vai trò, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện. Cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng cơ bản của đổi mới sáng tạo gồm các nhóm: Công dân tích cực, đổi mới sáng tạo, công nghệ và tư duy tài chính. Hướng dẫn học sinh sử dụng các kỹ năng đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất năng lực bản thân và vận dụng trong học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng phù hợp với nhận thức, hiểu biết của học sinh. Cách thức triển khai nội dung này ở cấp tiểu học được Bộ đề cập trong Dự thảo: Tích hợp, lồng ghép kiến thức về đổi mới sáng tạo và các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT cấp tiểu học. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho học sinh thông qua hoạt động đào tạo ngoài giờ chính khóa, phương tiện CNTT, hoạt động tại cộng đồng, hoạt động phối hợp với các đối tác. Tổ chức các hoạt động, cuộc thi để thực hành, trải nghiệm, tìm hiểu về đổi mới sáng tạo, công nghệ cho học sinh tối thiểu 1 lần/ năm học.

Nhìn nhận về các nội dung đưa ra trong dự thảo, cô Trần Bé Hồng Hạnh (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM) đánh giá, từng nội dung được chỉ ra hết sức gần gũi, thiết thực. Thực tế những nội dung này thời gian qua đã được nhà trường lồng ghép đưa vào hoạt động giáo dục của trường, triển khai thông qua các CLB trải nghiệm như CLB Bếp nhí, CLB về nhạc cụ dân tộc, các hoạt động ngoại khóa, giao lưu. Chủ yếu dừng ở mức hình thành cho học sinh tình cảm về các ngành nghề, nhất là có thể nhìn nhận về nghề nghiệp của ba mẹ, người thân mình, hướng các em đến sự trân trọng dành cho tất cả ngành nghề trong xã hội. “Việc giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh tiểu học là cực kỳ cần thiết bởi sẽ cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp trong xã hội, gợi mở trong các em những ước mơ về nghề nghiệp tương lai của mình. Nếu được thực sự chú trọng, các nội dung này sẽ hình thành cho học sinh ý thức, kỹ năng về tự học, kỹ năng đánh giá bản thân, sự phấn đấu, sáng tạo…”, cô Hạnh khẳng định.

Thay đổi quan điểm của phụ huynh

Tại Trường TH Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), từ năm 2015 trường đã đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong nội dung giáo dục nhà trường qua giáo dục kỹ năng sống. Các chuyên đề được thiết kế giúp học sinh nhận biết về công việc, nghề nghiệp của ba mẹ, người thân, 1 số nghề nghiệp trong xã hội như đi trải nhiệm ở làng nghề truyền thống, nông trại. Song song, trường mở ra nhiều CLB ngoài giờ như CLB Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Bóng rổ, Cờ vua, Cờ tướng, Robot, vừa tạo sân chơi vừa phát hiện và bồi dưỡng sớm năng khiếu cho học sinh. Tuy nhiên, theo thầy Dương Trần Bình (Hiệu trưởng nhà trường), do không mang tính bắt buộc nên ở nhiều hoạt động phụ huynh không hào hứng tham gia, nhiều phụ huynh quan điểm rằng con mình còn quá nhỏ để tìm hiểu về ngành nghề…, gây khó khăn cho nhà trường khi triển khai nội dung hướng nghiệp một cách bài bản. “Thông tư ra đời sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để nhà trường có thể mạnh tay hơn khi triển khai nội dung này, từ đó giúp hoạt động hiệu quả hơn. Sắp tới, nếu phụ huynh đồng thuận, trường sẽ mở thêm CLB aerobic, võ thuật, cầu lông… Đồng thời, sẽ triển khai định kỳ việc đưa học sinh đi đến các làng nghề để cho các em tiếp cận, nhận biết nghề nghiệp”.

Để làm được như vậy, thầy Bình cho rằng, công tác tuyên truyền, tác động làm thay đổi quan điểm của phụ huynh về tầm quan trọng của hướng nghiệp sớm cho học sinh cần được các nhà trường chú trọng. “Tận dụng tính hành lang pháp lý của Thông tư để tác động đến phụ huynh, nói để phụ huynh hiểu và hợp tác, đồng hành thì việc hướng nghiệp mới thật sự đi vào hiệu quả. Muốn vậy, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng sâu rộng hơn để nắm được yêu cầu, định hướng, cách thức triển khai”, thầy Bình bày tỏ.

Cũng như vậy, hoạt động hướng nghiệp đã được Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) triển khai đến học sinh qua các nội dung học tập trên lớp trong các môn học: bằng cách cho học sinh giới thiệu về nghề nghiệp của ba mẹ, nghề nghiệp trong xã hội, cho học sinh nói lên ước mơ của mình hay qua các hoạt động giáo dục như hành trình trải nghiệm làm nông dân, bác sĩ, lính cứu hỏa… “Tất cả các hoạt động trong nội dung này được tổ chức cần phải phù hợp với tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Một cách linh hoạt, khéo léo, giáo viên sẽ giúp học sinh nhận biết được các ngành nghề ở mức đơn giản. Song khi được đưa vào Thông tư, nội dung giáo dục này sẽ có sự liên thông giữa các cấp học, giúp học sinh định hướng rõ về nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, với điều kiện là giáo viên phải được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp một cách bài bản…”, cô Lê Thanh Hương (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.

Đối với nội dung về khởi nghiệp ở bậc tiểu học, quan điểm của nhiều giáo viên cho rằng hoạt động này chỉ nên dừng ở mức “bồi dưỡng” thêm cho học sinh làm quen với ngành nghề, kỹ năng quản lý bản thân, trang bị cho các em tư duy sáng tạo trong học tập. phương pháp học tập khoa học, đặc biệt là tinh thần tự học, tính tự lập, làm sao tiếp nối được các kỹ năng này lên bậc THCS. “Có thể dạy sớm cho trẻ về kỹ năng sử dụng đồng tiền trong các hoạt động kỹ năng sống, dạy các em lao động để biết quý trọng sức lao động, yêu lao động. Tùy từng đối tượng học sinh, điều kiện nhà trường mà nội dung này được triển khai theo các hình thức khác nhau…”, Hiệu trưởng một trường TH Q.11, TP.HCM cho hay.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)