Sinh viên Trường CĐ Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên thực tập tại Công ty May Đồng Nai
|
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc, góp phần đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội trong giáo dục nghề nghiệp đã được xác định là khâu đột phá, nhân tố quyết định để thực hiện tốt nhiệm vụ hàng đầu trong việc ổn định và phát triển vùng đồng bào các dân tộc.
Thanh niên dân tộc học nghề có xu hướng giảm
Giai đoạn 2006-2010, khu vực Tây Nguyên có 113 cơ sở dạy nghề; trong đó có 2 trường CĐ nghề, 13 trường TC nghề, 49 trung tâm dạy nghề và 49 cơ sở tham gia dạy nghề. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở này hơn 240.000 HSSV/năm, tăng 3,3 lần so với giai đoạn 2001-2005. Đến năm 2013, khu vực này có thêm 2 trường CĐ nghề và một số cơ sở dạy nghề mới thành lập. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các trường dạy nghề, hoạt động dạy nghề cho thanh niên dân tộc cũng được các cấp quan tâm, duy trì quy mô và nâng cao chất lượng. Theo đó đã có một số điển hình tốt về liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc tại Tây Nguyên, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và qua xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh học nghề ở khu vực Tây Nguyên hiện còn gặp khó khăn, hàng năm nhiều cơ sở dạy nghề không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể, tại 8 cơ sở dạy nghề: Trường CĐ Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên, CĐ Nghề Đắk Lắk, CĐ Nghề Gia Lai, CĐ Nghề Đà Lạt, TC Nghề Kon Tum, TC Nghề Đắk Nông, TC Nghề An Khê Gia Lai và Trung tâm Dạy nghề Krông Ana Đắk Lắk, trong 4 năm gần đây (2010-2013) số thanh niên dân tộc vào học nghề đang có xu hướng giảm. Theo đó, tổng số thanh niên dân tộc được tuyển vào học nghề tại 8 cơ sở trên từ 2010 đến 2013 chỉ có 9.766 người; trong đó, năm 2010 có 3.209 người, năm 2011 giảm còn 2.285 người, năm 2012 là 2.261 người và năm 2013 còn 2.011 người.
Những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, theo nhiều chuyên gia là do hậu quả của tình trạng phân luồng sau trung học chưa tốt, chưa đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp học nghề; giải pháp và chính sách giáo dục chưa đủ phù hợp với đặc điểm thanh niên dân tộc học nghề; các cơ sở dạy nghề chưa đủ mạnh để thu hút lực lượng này vào học nghề; sự quan tâm, tác động của một số cơ quan quản lý còn hạn chế, chưa kịp thời…
Cần các giải pháp đồng bộ
Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh việc thu hút thanh niên dân tộc vào học nghề. Trước hết phải đổi mới về nhận thức và hoạt động trong công tác hướng nghiệp học nghề, tăng cường công tác phân luồng để hướng học sinh vào học nghề nói chung. Đồng thời chú ý tăng cường nghiên cứu khoa học để có nhận thức hệ thống, sâu rộng hơn về đặc điểm thanh niên dân tộc học nghề; tăng cường các điều kiện, chế độ cho đối tượng này học nghề; tăng cường sự quan tâm, tác động của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và các tổ chức có liên quan đến hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên dân tộc nói riêng.
Bên cạnh đó cần tăng cường năng lực của hệ thống dạy nghề để có sự thu hút, thực sự đáp ứng yêu cầu của người học về sự phù hợp với ngành nghề và điều kiện học tập, chất lượng và hiệu quả học nghề. Để thực hiện điều này, các cơ sở đào tạo nghề cần thực hiện nhiều biện pháp như cung cấp và giúp thanh niên dân tộc chọn nghề, chương trình đào tạo phù hợp; đổi mới môi trường giáo dục và tạo điều kiện phù hợp cho thanh niên dân tộc học nghề; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng như quản lý, cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu…; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo thông qua việc gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, dạy nghề với giải quyết việc làm, triển khai các hoạt động đa dạng để hỗ trợ việc làm; tăng cường các hoạt động liên kết đa dạng để hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm ở Tây Nguyên cũng như tại các khu công nghiệp lớn như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… và qua xuất khẩu lao động.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đã có sự quan tâm nhiều hơn đối với nhiệm vụ dạy nghề cho thanh niên dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách trong dạy nghề đối với thanh niên dân tộc; trong đó có việc giải quyết những bất cập như số học sinh dân tộc nội trú vào học nghề rất ít thì có chế độ ưu đãi khi học nghề nhưng hầu hết học sinh dân tộc học nghề mà không học ở phổ thông dân tộc nội trú thì lại chưa được quan tâm đúng mức.
ThS. Phạm Hoàng Nhi
(Trường CĐ Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên)
Vấn đề cấp thiết hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách trong dạy nghề đối với thanh niên dân tộc; trong đó có việc giải quyết những bất cập như số học sinh dân tộc nội trú vào học nghề rất ít thì có chế độ ưu đãi khi học nghề. Tuy nhiên, hầu hết học sinh dân tộc học nghề mà không học ở trường phổ thông dân tộc nội trú thì lại chưa được quan tâm đúng mức. |
Bình luận (0)