Ông Dương Phước Thạnh, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp (TTHN) quận Gò Vấp phấn khởi cho biết: “Năm học này, trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng Vạn Xuân tổ chức dạy nghề. Còn hơn một tháng nữa mới khóa danh sách đăng ký nhưng chúng tôi đã nhận được gần 200 học sinh đến ghi danh theo học. Đây là một bước phát triển mang tính đột phá, mở ra hướng đi mới cho TTHN các quận huyện”.
Đầu tư cơ sở vật chất
Việc dạy nghề trong những năm qua chưa được xã hội thực sự quan tâm, học sinh chưa ý thức và hứng thú trong việc học nghề. Nhiều học sinh thi đại học, cao đẳng rớt cả ba nguyện vọng thế nhưng vẫn quyết “giùi mài kinh sử” để năm sau ứng thí. Trong khi đó 32 ngàn chỉ tiêu trung cấp, hơn 300 ngàn chỉ tiêu đào tạo nghề sơ cấp, ra trường dễ kiếm việc làm, nhưng nhiều học sinh vẫn từ chối. Để nâng cao nhận thức và thay đổi cách nhìn của xã hội về việc học nghề, các TTHN quận huyện những năm gần đây đã được ưu tiên đầu tư về mọi mặt. Bên cạnh sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của quận, TP cho các trung tâm, thì bản thân các trung tâm cũng tự thân vận động, tìm hướng đi riêng để phát triển. Trong số những TTHN hoạt động mạnh như: TTHN Kỹ thuật Tổng hợp Lê Thị Hồng Gấm (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), TTHN quận 11, TTHN quận Bình Thạnh, TTHN quận Gò Vấp… đã có cơ sở vật chất đáp ứng tốt việc dạy và học của học sinh.
Trước kia, TTHN quận Gò Vấp sau nhiều lần di chuyển qua lại giữa những cơ sở xập xệ, đến nay trung tâm đã được xây dựng mới khang trang và đầy đủ trang thiết bị. Với kinh phí xây dựng gần 7 tỷ đồng, gồm 7 phòng học và thực hành, mỗi phòng (70 -100m2 đạt tiêu chuẩn của Bộ GD – ĐT), cùng các phòng chức năng, máy móc, trang thiết bị phục vụ việc học của học sinh. Song song đó, nhiều trung tâm khác cũng được tiến hành xây dựng hay đang trong thời gian đấu thầu xây dựng, có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng như: TTHN quận 2 với kế hoạch xây dựng đạt chuẩn quốc gia, gồm các phòng học lý thuyết, phòng thực hành cùng trang thiết bị máy móc hiện đại từ nguồn kinh phí của quận. TTHN quận 7 cũng đã được UBND quận phê duyệt kinh phí vào tháng 8-2008 để xây dựng thành một trung tâm đạt chuẩn đáp ứng việc hướng nghiệp, học tập cho học sinh trong và ngoài quận.
Liên kết đào tạo nghề
Từ trước đến nay, các TTHN chủ yếu thực hiện chức năng hướng nghiệp cho các em học sinh THCS hay THPT trong địa bàn quận huyện. Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, học nghề phổ thông có 7 bộ môn như: dinh dưỡng, điện nhà, thêu may, điện tử, sửa xe gắn máy, vi tính, và nghề may. Mỗi môn học 90 tiết, mỗi tiết theo quy định của TP chỉ được thu 500 đồng/học sinh. Đối với học sinh khối 8 và 9 học cả khóa là 45.000 đồng/học sinh và học sinh khối 11 học 180 tiết thì học phí cả khóa là 90.000 đồng. Vì mức thu học phí thấp nên thu nhập của giáo viên dạy nghề chưa cao. Các trung tâm chỉ dựa vào nguồn trợ cấp của quận và với học phí thấp như vậy thì để các TTHN phát triển được là điều rất khó khăn.
Một mô hình mới là hướng nghiệp liên kết với chức năng đào tạo nghề nghiệp được mở ra. Các trung tâm có thể liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng để dạy nghề tại trung tâm. Mặt khác, TTHN kết hợp với các trường trung cấp, cao đẳng về tận trường tư vấn, định hướng việc học nghề, giải quyết những băn khoăn, thắc mắc về ngành nghề mà học sinh lựa chọn. Điều đáng nói, khi các trung tâm liên kết đào tạo được những lớp học nghề ngắn và dài hạn, góp phần giải quyết nguồn nhân lực chưa được đào tạo hay các học sinh không có điều kiện học cao đẳng, đại học. Đồng thời, các TTHN cũng có thêm một phần kinh phí để hoạt động và giúp học sinh các trường trên địa bàn nhận thức sâu sắc về việc chọn và học nghề.
Văn Mạnh
Bình luận (0)