HS đặt câu hỏi về ngành nghề trong chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ do Báo Giáo Duc TP.HCM tổ chức năm 2013. Ảnh: D.Bình |
Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang đặt trọng tâm vào những học sinh (HS) lớp 12. Đây là một hoạt động cần thiết và quan trọng giúp các em định hướng và lựa chọn đúng nghề nghiệp…
Song, hướng nghiệp chỉ dồn sức và tập trung vào một thời điểm như thế liệu hiệu quả đạt được có phải là tối ưu? Hay chỉ là biện pháp ứng phó cho thực trạng công tác hướng nghiệp chưa được chú trọng sớm nên những khó khăn và trăn trở của HS trở nên nặng nề hơn vào những ngày tháng cuối cùng quyết định ngành nghề, quyết định tương lai… Vậy hướng nghiệp thực sự nên bắt đầu từ lớp nào là hợp lý và phù hợp nhất?
1. Ở các quốc gia phát triển, việc định hướng nghề nghiệp được bắt đầu từ rất sớm, ngay từ trong môi trường phổ thông. Thông thường, việc hướng nghiệp được tổ chức một cách bài bản thông qua trao đổi định hướng, chuyên đề giữa phụ huynh với HS, nhà trường với HS, đồng thời có cả các bài trắc nghiệm hướng nghiệp được thiết kế trên cơ sở khoa học… giúp các em đánh giá bản thân xem phù hợp với nghề nào. Các buổi nói chuyện với những người thành đạt cũng là một biện pháp hiệu quả.
Định hướng nghề nghiệp là điều tối cần thiết, cần được bắt đầu từ sớm. Từ định hướng, HS sẽ giải đáp được băn khoăn nên học ngành nào, thi trường nào… Các em HS cần quan tâm sớm hơn đến việc hướng nghiệp, tốt nhất là từ cuối cấp THCS, cần chú trọng cân nhắc khi chọn ban để học THPT, cần thay đổi quan niệm rằng phải học ĐH mới thành công… Hướng nghiệp được tiến hành ở ngay từ THCS, đặc biệt là đẩy mạnh hơn ở cuối cấp THCS là một điều phù hợp nhất với sự phát triển tâm lý ở HS. Ở lứa tuổi tiểu học, HS còn có những ước mơ trẻ con về nghề nghiệp, những mơ ước viển vông mang tính chất lãng mạn, cổ tích và anh hùng như trở thành siêu nhân để trừ gian diệt ác, trở thành cô tiên để giúp đỡ người nghèo, trở thành phi hành gia để bay vào vũ trụ… Nhưng khi bước vào giai đoạn lứa tuổi thiếu niên, HS THCS bắt đầu suy nghĩ về nghề nghiệp một cách hiện thực, có tính đến những khả năng của bản thân, bắt đầu xuất hiện hành vi thu thập thông tin nghề nghiệp và bàn luận nghề nghiệp với bạn bè. Bắt nguồn từ đặc điểm tâm lý này mà HS THCS đã có sự thay đổi trong xu hướng học tập khi các em tập trung nhiều hơn vào các môn liên quan đến nghề nghiệp mà mình quan tâm. Vì lẽ đó, giai đoạn này cần có sự tác động của công tác hướng nghiệp để có thể kịp thời điều chỉnh những xu hướng nghề không chín chắn và chưa phù hợp với HS. Bởi sự định hướng này ít nhiều ảnh hưởng và chi phối đến kết quả học tập, đến việc lựa chọn ban học khi lên THPT và đương nhiên điều này chi phối khá lớn trong việc xác định nghề nghiệp sau này.
2. Theo một báo cáo tại hội thảo “Các phương pháp phân luồng HS sau THCS và THPT” (ngày 11-9-2009) của Bộ GD-ĐT: Nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 em. Nếu những HS này được hướng nghiệp, học nghề sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn và góp phần giải quyết được các vấn nạn xã hội xuất phát từ việc thiếu niên không công việc, không định hướng tương lai… Điều này cũng cho thấy rằng nếu thực hiện công tác hướng nghiệp cho HS hiệu quả thì bài toán lãng phí sẽ được giải quyết, an sinh xã hội phần nào được nâng cao, bài toán làm thế nào để cung cấp đủ nhân lực cho các ngành nghề cũng được giải quyết phần nào. Chính vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường trung học đặc biệt là từ giai đoạn cuối cấp THCS để đảm bảo chuẩn bị cho HS có những cơ sở khoa học trong việc hướng nghiệp – chọn nghề.
3. Điều đáng quan tâm, giáo dục hướng nghiệp cần phải xuyên suốt tức không chỉ bắt đầu ở cuối cấp THCS và kết thúc khi HS lựa chọn được khối thi và ngành thi. Hướng nghiệp ở trường ĐH là một điều khá quan trọng mà ít được quan tâm hơn so với công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông. Bởi lẽ, khi mục tiêu nghề nghiệp không rõ ràng, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dễ nhận việc nhưng khi gặp khó khăn hoặc những điều không phù hợp, họ cũng dễ bỏ việc. Hậu quả gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả hai phía. Vào năm thứ nhất ĐH, sinh viên cần được tiếp tục được giới thiệu đầy đủ hơn về trường, khoa của mình, về các bộ môn, các môn học. Quá trình hướng nghiệp không dừng lại ở vài buổi giới thiệu mà cần xuyên suốt thời sinh viên thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, các ngày hội nghề nghiệp… Công tác hướng nghiệp cũng không chỉ dừng khi sinh viên tốt nghiệp mà phải được tiếp tục khi họ đã xin được việc làm. Trong công tác này, việc tổ chức những cuộc giao lưu giữa cựu sinh viên với các sinh viên đang học cũng có vai trò hữu ích. Những chia sẻ và những trải nghiệm của người đi trước là tấm gương để sinh viên phấn đấu, rèn luyện để thích ứng và điều chỉnh hướng đi cho phù hợp hơn. Giảng viên cần tìm hiểu khái quát về ngành nghề trong xã hội, đặc biệt những ngành nghề liên quan đến môn học mình phụ trách để định hướng cho sinh viên thông qua các ví dụ thực tiễn, lồng ghép vào bài giảng của mình, vừa thiết thực, vừa sinh động lại đáp ứng nhu cầu được hiểu về nghề nghiệp tương lai ở sinh viên.
4. Tóm lại, giáo dục hướng nghiệp chỉ đạt được hiệu quả thiết thực và bền lâu khi nó được tiến hành sớm, phù hợp với sự phát triển của tâm lý lứa tuổi và được tiến hành thường xuyên, liên tục ngay cả khi HS đã bước vào giảng đường ĐH. Đó là hoạt động nhằm hỗ trợ HS và các cá nhân khác có định hướng nghề nghiệp cho chính mình hiệu quả cũng như hướng đến nghề nghiệp bằng một quá trình chuẩn bị lâu dài và tích cực.
Nhóm tác giả –Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Bình luận (0)