Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hướng nghiệp ở trường THPT: Cần được quan tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh THPT, nhất là học sinh lớp 12 rất cần được nhà trường tư vấn hướng nghiệp chọn ngành nghề cho tương lai. Ảnh: T.Tr

Hướng nghiệp là một công tác quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của học sinh. Một người không được định hướng nghề trước khi vào đời sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ đi ngang, rẽ tắt tùy tiện để tìm một chỗ dừng chân…
1. Thực tế hiện nay cho thấy, việc chọn ngành nghề của giới trẻ chủ yếu vẫn là theo cảm tính, chọn ngành nào cho “oai”, chọn theo phong trào hoặc đơn giản là dễ thi đậu… Ngành nghề trong xã hội rất phong phú, mỗi ngành nghề đều có những yêu cầu riêng trong khi học sinh hầu như chưa có khả năng xác định sự phù hợp tương đối giữa năng lực của bản thân với ngành nghề mình chọn lựa; ý thức về sự ảnh hưởng của các yếu tố sức khỏe, năng lực, tố chất, thiên hướng, ngoại hình, năng khiếu, gia đình, điều kiện kinh tế… đối với việc chọn nghề cũng chưa sâu sắc. Vì vậy, câu hỏi “làm gì sau khi tốt nghiệp THPT” luôn là câu hỏi khiến nhiều học sinh lúng túng, không tìm được câu trả lời xác đáng.
Để xác định cho mình một nghề phù hợp, cá nhân phải có nhận thức đúng về nghề và khả năng của bản thân đáp ứng nhu cầu của nghề đó. Nói cách khác, cá nhân phải có khả năng xem xét, so sánh, đánh giá những dạng khác nhau của hoạt động lao động để đi tới một quyết định chọn nghề, không chỉ phù hợp với bản thân mà còn thoả mãn các điều kiện: kinh tế, chính trị, xã hội và các yếu tố khách quan khác. Chính vì thế, xác định nghề cần có sự định hướng của xã hội; hay nói khác hơn, cần phải có hướng nghiệp. Công tác hướng nghiệp không chỉ tác động đến nhận thức của cá nhân đối với nghề định chọn mà còn làm cho cá nhân đó hiểu hệ giá trị của nghề, hình thành hứng thú, say mê với nghề đã chọn. Hướng nghiệp là làm cho cá nhân nhận ra chân giá trị của nghề và tìm thấy hạnh phúc khi tận tâm cống hiến tinh thần và sức lực cho nghề đó. Vì vậy, hướng nghiệp rất cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ phận xã hội; trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của nhà trường phổ thông.

Học sinh THPT trong tiết học nghề. Ảnh: T.H

2. Nhiều năm qua, hệ thống giáo dục nước ta phát triển mạnh ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến đại học. Tuy nhiên, việc giúp học sinh có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp sở thích cá nhân cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế. Theo điều tra mới đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trên 70% học sinh THPT không được giáo dục hướng nghiệp một cách đầy đủ; chỉ có 8,1% học sinh dự định thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề, còn có tới 82% muốn vào đại học… Những số liệu đó, mặc dù chưa đầy đủ nhưng cũng đã phản ánh khá rõ nét thực trạng không mấy phấn khởi của công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay. Theo đánh giá chung, hoạt động hướng nghiệp để hình thành tiềm năng nghề nghiệp cho học sinh còn mờ nhạt, chưa tạo sự khác biệt về chất ở các năng lực, phẩm chất, điều kiện cốt lõi chi phối tiềm năng nghề của các cá nhân; đại bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT vẫn không thích học nghề ngay cả khi năng lực học lên của mình hết sức hạn chế. Điều này đã gây sức ép rất lớn lên các kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm và gây nên tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong giáo dục đào tạo cũng như cơ cấu lao động ở nước ta.
3. Thực tế giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay cho thấy: Đối với học sinh phổ thông, việc hướng nghiệp cần được định hướng ngay từ những ngày đầu cấp vì nó tác động lâu dài vào nhận thức, và bản thân học sinh cũng cần có thời gian được trải nghiệm để kiểm chứng phần nào tính chính xác trong lựa chọn của mình. Trước đây, khi vừa vào cấp THPT, các em được lựa chọn đăng kí học các lớp nghề phổ thông với nhiều ngành nghề gắn với thực tiễn như: điện, tin học, kế toán, may, nấu ăn, vẽ kĩ thuật, nông nghiệp… Sau khi hoàn thành 180 tiết, các em sẽ dự thi để lấy chứng chỉ nghề phổ thông. Tuy mục đích chính của học sinh và gia đình khi đăng kí các lớp nghề này là để được cộng điểm vào kì thi tốt nghiệp THPT, nhưng quá trình học cũng phần nào giúp các em sơ bộ định hướng được sở thích, năng khiếu của mình và hình dung được các công việc cụ thể.
Tại Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), nếu như trước đây, công tác hướng nghiệp chỉ chú trọng vào học sinh lớp 12 và cũng chỉ đóng khung ở hình thức tư vấn tuyển sinh do các trường THPT phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức thì hiện nay, công tác này đã có thể đồng hành với học sinh suốt ba năm học THPT. Song song với việc triển khai các chương trình dạy nghề và thực hiện nghiêm túc chương trình Giáo dục hướng nghiệp do Bộ quy định, Trường THPT Hùng Vương đã lôi cuốn học sinh tham gia các hình thức hướng nghiệp khác rất phong phú. Hàng năm, trường đều có chương trình hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức cho học sinh tham quan dây chuyền sản xuất, quy trình hoạt động của các đơn vị như: Nhà máy đường Biên Hòa (Đồng Nai), Công ty bánh kẹo Bibica (Đồng Nai), Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Khu chế xuất Tân Thuận (Nhà Bè – TP.HCM), các cơ sở sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre, làng nghề sản xuất bánh tráng ở Củ Chi, Tây Ninh… Bên cạnh những kênh thông tin tư vấn hướng nghiệp như báo đài, các chương trình tư vấn tuyển sinh… thì việc hướng nghiệp còn do sự định hướng của các bậc phụ huynh, sự tác động lôi kéo của bạn bè… Vì thế việc triển khai công tác hướng nghiệp không nên chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường mà cần được tiến hành đồng bộ, hướng đến cả những đối tượng có tác động lớn với học sinh như: phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm…
Quá trình chọn nghề của học sinh cũng cần gắn liền với ý thức: hạnh phúc và thành công trong nghề nghiệp của mỗi người không hề là hạnh phúc đơn lẻ mà đó là hạnh phúc và sự phát triển chung của cả cộng đồng.
Song song với quá trình học tập, cần trao cho các em niềm tin vào bản thân mình và niềm tin vào sự kề vai sát cánh của gia đình cũng như sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội để các em mạnh dạn chạm tay đến những ước mơ.
Lê Linh Chi (Trường THPT HùngVương, TP.HCM)
Để giúp học sinh có sự lựa chọn chính xác, nhà trường, gia đình cần giúp các em có được nhận thức đầy đủ về năng lực học tập, khả năng thiên phú, điều kiện gia đình, sức khỏe bản thân… Học sinh phải tìm được câu trả lời thỏa mãn các câu hỏi: Tôi thích làm nghề gì? Tôi có thể làm nghề gì? Tôi cần phải làm nghề gì?…
 

Bình luận (0)