Hiện nay, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở một số đơn vị vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa đạt hiệu quả cao, vì sao?
Chưa đáp ứng
Mặc dù đã được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học nghề nhưng một số cơ sở giáo dục ở ngoại thành không thể tránh khỏi những thiếu thốn. Điều này đã gây không ít cản trở về khả năng tìm tòi, sáng tạo của người học. Tất nhiên là những bài thực hành về các môn học (có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ cho bài giảng) và những bài học tự chọn về các bộ môn sẽ có tác dụng làm bộc lộ hứng thú, khuynh hướng và năng lực trong một lĩnh vực nào đó của học sinh và sẽ làm cho công tác hướng nghiệp của nhà trường được dễ dàng hơn.
SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học
Hình thức và phương tiện hướng nghiệp ngày càng được cải tiến về nội dung lẫn hình thức. Một số trường THPT hiện nay vẫn còn duy trì hình thức tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau. Tổ chức những buổi tham quan các xí nghiệp sản xuất, các công ty… cũng được lãnh đạo một số trường chú trọng đến nhưng xem ra con số này chưa nhiều. Những chuyến tham quan trong ngày, thậm chí chỉ giới hạn trong một buổi ở các trường ĐH-CĐ và TCCN-DN theo kiểu “đến hẹn lại lên”, thiếu sự sáng tạo, thật sự chưa thấm vào đâu đối với nhu cầu tìm hiểu thông tin nghề nghiệp. Rồi tư vấn hướng nghiệp tại chỗ, trực tuyến… học sinh ngày càng có nhiều cơ hội để tìm hiểu thông tin ngành nghề nhưng ở trong một giai đoạn cụ thể, một tình huống cụ thể thì không thể chọn cho mình một ngành, nghề phù hợp.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác phân luồng học sinh ở nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và không mấy hiệu quả, mỗi năm chỉ có khoảng dưới 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN. (T.T.O) |
Chuyên gia phân tích thị trường lao động Công ty Chánh Nam (quận 1), TS. Trương Hoàng Nam cho biết: “Nhà trường phải kịp thời giúp đỡ, định hướng cho mỗi em con đường đúng đắn để bước vào cuộc sống. Cần xây dựng những bài trắc nghiệm tâm lý kết hợp qua các ngành nghề cho học sinh thì công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sẽ đạt hiệu quả cao. Qua nhiều đợt tuyển dụng, khi được hỏi về việc chọn nghề thì phần lớn các em đều có câu trả lời “chọn đại, hên xui chứ không có đam mê, sở thích gì”. Có thể các em sẽ học tốt ngành mà các em không yêu thích nhưng quan trọng nhất là các em thiếu kỹ năng làm việc ở ngành mà không có sự đam mê”.
Phân luồng chưa hiệu quả
Một số nguyên nhân của việc phân luồng kém hiệu quả hiện nay là người tốt nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đối tượng sau THCS khó tìm việc khi ra trường; các cơ sở giáo dục không mấy mặn mà khi tuyển đối tượng học tốt nghiệp bậc THCS; người học ra nghề các doanh nghiệp không quan tâm tuyển dụng; chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục còn thấp, đặc biệt ở các vùng ngoại thành nên không thu hút học viên.
Các cuộc triển lãm nghề nghiệp trong những năm gần đây đã được các doanh nghiệp, nhà trường phối hợp thực hiện để giúp học sinh tìm hiểu tính chất của các ngành nghề khác nhau nhưng cũng chưa thu hút được số đông học sinh tham dự.
Công tác hướng nghiệp cũng như các cuộc triển lãm nghề nghiệp lại chưa nối kết được giữa các trường CĐ-ĐH và doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Không đi đâu xa, chỉ riêng các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nước, công tác này rất thưa thớt, thậm chí còn nặng tính hình thức.
Ông Nam nói thêm: “Theo hợp đồng, các đơn vị, doanh nghiệp liên kết với các trường để tổ chức nhằm giới thiệu các nghề nghiệp của trường đến với học sinh nhưng hầu hết các trường đều “yếu thế” hơn vì kinh phí do các doanh nghiệp, công ty bỏ ra. Nhà tài trợ không quan tâm lắm đến những yêu cầu, đòi hỏi của học sinh về cơ hội nghề nghiệp sau này mà dành nhiều thời gian để quảng cáo về quá trình hoạt động, doanh thu của mình. Còn về phía nhà trường thì mặc kệ, miễn là giải đáp thông suốt những thắc mắc của học sinh là đã thành công”.
Từ thực tế này, Bộ GD-ĐT cần có khảo sát để tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT, đồng thời xác định những giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phân luồng để chuẩn bị cho năm học tới.
Nguyên Thảo
Bình luận (0)