Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng nghiệp rầm rộ, vẫn “đói” thông tin?

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không được hướng nghiệp kỹ, việc lựa chọn ngành nghề (một trong những khâu quan trọng của cuộc đời học sinh) dễ được tiến hành một cách ngẫu nhiên, cảm tính. Thời gian qua, hoạt động hướng nghiệp được thực hiện “rầm rộ”, thế nhưng khái niệm “đói thông tin” đến nay vẫn còn được không ít đơn vị đào tạo đề cập.
Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện” do Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) tổ chức ngày 14-3 một lần nữa chỉ ra những yếu kém cần được khắc phục của hoạt động hướng nghiệp.
Chỉ hướng nghiệp qua cuốn Những điều cần biết
ThS. Hoàng Thị Thu Hiền (Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) dẫn chứng một câu chuyện thực tế, tại một trường miền núi của Hòa Bình, em học sinh chỉ học suýt soát trung bình nhưng khi được hỏi đã rất tự tin trả lời sẽ chọn thi vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (một đơn vị vốn lấy điểm đầu vào rất cao, sức học bình bình khó có cơ hội). Lý do, ngoài trường này em không còn biết thêm trường ĐH nào khác. Tại một trường phổ thông ngoại thành khác tuy chưa phải “heo hút” lắm nhưng số đông học sinh đều cho biết, tài liệu hướng nghiệp của các em không có gì ngoài cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ
Đánh giá của ThS. Hiền, hoạt động hướng nghiệp hiện được tổ chức theo từng nhóm lớn, có lúc tập hợp trên 1.000 em, làm “ào ào” trong một buổi, học sinh nhiều khi không kịp hỏi. Trong khi đó, tài liệu hướng nghiệp hiện nay cũng chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến. Thế nên, học sinh phổ thông vẫn “đói” thông tin và chưa được tư vấn đầy đủ. Nhiều em bị áp lực rất lớn do trước kỳ thi, không chỉ cha mẹ mà cả họ hàng cùng tham gia “tư vấn” lựa chọn ngành nghề.
Ý kiến khác cũng nhìn nhận, đội ngũ giáo viên ít mặn mà với hướng nghiệp, không chuyên trách, thậm chí thiếu giờ nên được phân công dạy hướng nghiệp. Thiếu đào tạo bài bản, ít cập nhật thông tin cũng như không am hiểu thị trường lao động, điều kiện làm việc thực tế… nên nội dung giáo viên truyền tải học sinh khó nắm bắt. “Thậm chí có lớp còn “sáng tạo” đến mức giao luôn cho lớp trưởng cuốn tài liệu, yêu cầu về hướng dẫn các học sinh khác đọc. Cách làm này khiến hoạt động hướng nghiệp “chết” luôn trong trường phổ thông” – một đại biểu cho biết.
Đầu tư đội ngũ, tránh làm “nửa vời”
Hoạt động hướng nghiệp thời gian qua còn vắng bóng sự tham gia của doanh nghiệp và phụ huynh. ThS. Trương Thị Mỹ Lai – Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận – thừa nhận, trước đây việc hướng nghiệp tại đơn vị chỉ chủ yếu thực hiện trên học sinh, hiệu quả chưa thật sự như mong muốn. Lý do học sinh còn chịu rất nhiều ràng buộc từ gia đình nên việc lựa chọn ngành nghề không được tự quyết. Có khi các em chọn ngành này nhưng cha mẹ lại hướng sang lĩnh vực khác. Vì vậy, nay trường mở rộng thêm kênh thông tin để phụ huynh cùng con tham gia hướng nghiệp, chọn ngành nghề.
Thách thức khác nằm ở việc hợp tác với doanh nghiệp, theo ThS. Lai, trước đây trường định hướng ít nhất 1 lần trong năm đưa học sinh đi thực tế tại cơ sở doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các em tìm hiểu ngành nghề. Thực tế, trường luôn gặp khó khăn, có năm phải thông qua công ty du lịch để tiến hành hoạt động này.
Đầu tư bài bản cho đội ngũ hướng nghiệp được ThS. Lai cho là quan trọng đối với cải tiến chất lượng hướng nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, nhiều trường cũng nhấn mạnh việc biên chế đội ngũ giáo viên phổ thông làm công tác giáo dục hướng nghiệp. Đội ngũ này cần được đào tạo bài bản, bồi dưỡng thường xuyên, cập nhật thông tin liên tục…
Ngoài ra, “hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần gắn với từng giai đoạn phát triển của học sinh; không thể làm nửa vời mà nhất thiết phải rạch ròi, có phần độc lập lẫn phần tích hợp” – ThS. Hiền nói.
Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)