Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Hướng nghiệp sau THCS: Giải pháp tiết kiệm thời gian và chi phí

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày 8 và 9-4, học sinh (HS) bậc THCS và phụ huynh (PH) trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã được tư vấn hướng nghiệp sau tốt nghiệp THCS.

Đại diện các trường và doanh nghiệp tại buổi tư vấn

1.387 HS có khả năng không vào lớp 10 công lập

Đây là chuyên đề Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS do phòng GD-ĐT phối hợp với Trung tâm kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp huyện Bình Chánh cùng các trường CĐ, TCCN, TCN và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tổ chức nhằm giúp HS chọn ngành học phù hợp năng lực và sở thích, chuẩn bị cho tuyển sinh TCCN năm học 2016-2017. HS đã thôi học THPT hoặc chưa tốt nghiệp THPT các năm trước trên địa bàn cũng đã đến với chương trình này với mục đích lựa chọn được nghề học để tiến thân.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn, giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp huyện Bình Chánh cho biết, số HS lớp 9 của 18 trường THCS trên địa bàn là 4.537 em. Trong khi đó, chỉ tiêu TS vào lớp 10 của 5 trường THPT trong huyện chỉ có 3.150 HS. Như vậy còn 1.387 HS có khả năng không đậu lớp 10 công lập sẽ vào TT GDTX, trường nghề… Chuyên đề này nhằm định hướng cho HS có lực học lực trung bình, cơ hội trúng tuyển lớp 10 thấp và HS có nguyện vọng học nghề chọn đúng nghề phù hợp để tránh lãng phí thời gian cũng như tiết kiệm chi phí.

Phụ huynh đặt câu hỏi tại buổi tư vấn hướng nghiệp chiều 8-4 tại UBND xã Vĩnh Lộc A

Ông Tuấn kỳ vọng: Để công tác phân luồng sau THCS đạt hiệu quả cần sự chung tay của PH, góp phần xóa đi tình trạng thừa thầy thiếu thợ, hơn nữa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, khả năng của con em mình và đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng lớn tại địa phương.

Ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ, phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh cho biết, tính đến thời điểm này có khoảng 5.000 doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Theo đó, tại các KCN đang cần lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo trình độ TC.

Giải đáp boăn khoăn của PH và HS về việc hiện nay các trường Trung cấp nghề không được đào tạo văn hóa ba năm phổ thông, ông Nguyễn Văn Khả, phụ trách phân hiệu THPT (ĐH Công nghiệp phực phẩm) cho biết HS có thể vừa học phổ thông theo chương trình GDTX vừa học nghề tại trường ĐH Công nghiệp thực phẩm. Sau khi hoàn thành chương trình này, HS được quyền tham gia kỳ thi chung THPT Quốc gia. Đây là giải pháp chọn ngành nghề phù hợp khả năng và điều kiện gia đình.

Bà Huỳnh Thị Phương Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế-Kỹ thuật Q.12 thông tin thêm: Trường phối hợp với TT GDTX để đào tạo văn hóa phổ thông nên PH-HS không quá lo lắng.

Trường nghề rộng cửa

Phụ huynh học sinh quan tâm đến chương trình tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS

Bà Trần Thị Thu Bình, phó HT Trường Trung học Thủy Sản cho biết, thị trường lao động đang thiếu nghiêm trọng lao động qua đào tạo và trong vài năm tới, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Ngoài chế độ miễn giảm học phí theo quy định, trường còn dành nhiều suất học bổng từ 2-3 triệu/ HK cho HS theo học tại trường. Sau giờ học, giám thị thường xuyên liên lạc với PH để thông báo về tình hình học tập của con em, nhờ sự quản lý chặt chẽ mà tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể. “Ngoài chương trình chính, HS còn được phụ đạo kiến thức và kỹ năng mềm, được hỗ trợ thực tập có lương, cơm trưa và giới thiệu việc làm.

Học Trung cấp cũng trở thành giám đốc

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food chia sẻ tại buổi tư vấn hướng nghiệp

Bà Lê Thị Thanh Lâm, phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food chia sẻ: Ngay từ bây giờ, các em hãy quyết tâm chọn con đường đi cho mình. Học TC cũng có thể làm giám đốc, điển hình là những trong công ty tôi.

Học gì, làm ở vị trí nào cũng phải khổ luyện mới thành. Bản thân tôi tốt nghiệp khoa thủy sản, ĐH Nông Lâm, thời gian đầu mới ra trường cũng phải làm công nhân, nay đã có mức lương 100 triệu đồng/ tháng.

Đặt tại KCN Vĩnh Lộc, Sài Gòn Food chuyên xuất khẩu thủy sản chế biến sang thị trường hiện có khoảng 2.000 lao động, trong đó khối trực tiếp sản xuất là 1.500 lao động cả trình độ phổ thông, TC, CĐ và ĐH. Lao động trình độ TC chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản và cơ điện lạnh hiện đang rất cần bởi gắn bó lâu dài, có tính kỷ luật cao với mức lương trung bình từ 5,8 triệu đồng-9 triệu đồng/ tháng. “10 lao động TC chúng tôi mới cần một kỹ sư”, bà Lâm khẳng định.

Công ty có tổ chức khóa học liên thông lên CĐ-ĐH tại chỗ dành cho lao động có bằng TC và liên kết với Trường Trung học Thủy Sản để đào tạo chương trình trung cấp.

Bạn Nguyễn Thanh Vân (Q.11) chia sẻ: Vì sức học không theo kịp chương trình nên đã bỏ học từ lớp 11 để đi học TC. Trong quá trình học, phát huy khả năng và đạt thành tích khá tốt và nhiều năm liền dành học bổng và hiện nay đang làm việc tại một công ty của Đức. Trần Thị Hường, tốt nghiệp kế toán doanh nghiệp trường TC Thủy Sản loại giỏi, được học bổng tại trường ĐH Hàn Quốc.

T.A

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Huệ, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Giao thông vận tải 3 cho biết hai ngành hàn và cắt gọt kim loại hiện đang “khát” lao động, các trường có đào tạo nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Đó là chưa kể lao động chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khu vực. Về đầu vào của trường xét tuyển: Bằng THCS và học bạ. Ra trường, ban ngày đi làm và tối có thể học liên thông CĐ nếu có nhu cầu. Hầu hết HS-SV có việc làm với mức lương cao khi đang còn học tại trường.

Tại đây, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM cũng đã cung cấp cho PH-HS các ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để có thể lựa chọn nhằm rút ngắn thời gian đào tạo cũng như sớm có việc làm.

Trần Anh

 

 

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)