Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng nghiệp sau THCS: Hiểu đúng về trường nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh) tư vấn hướng nghiệp cho PH
Công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh (HS) sau THCS tại TP.HCM nhìn chung đã có những bước phát triển đáng kể trong việc tuyên truyền, nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng dạy học… ở các trường TCCN.
Tuy nhiên, để xóa bỏ tâm lý “trọng thầy khinh thợ” trong xã hội không phải là việc làm một sớm một chiều; vì thế vẫn còn nhiều phụ huynh (PH) cố cho con vào THPT mặc dù biết rõ năng lực con em mình rất khó tiếp tục học lên cao.   
Vẫn còn HS bỏ học
Hầu hết giáo viên và ban giám hiệu các trường THCS khi hướng nghiệp cho HS lớp 8 và lớp 9 đều cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của công tác này chính là nhận thức của PH về chọn nghề cho con đã có thay đổi nhưng chưa nhiều. Thầy Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Q.Bình Thạnh), thừa nhận thực tế: “Tâm lý chung của PH là con em mình phải tốt nghiệp ĐH nên khi nhà trường tư vấn chọn trường TCCN cho các em, họ không hài lòng và cảm thấy sốc với năng lực của con. Trong quá trình tư vấn, nhà trường đã cố gắng hết mình trong việc thuyết phục HS vào TCCN nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở PH. Những PH cho con học TCCN chủ yếu thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và số lượng này không nhiều. Còn những PH khác cương quyết cho con vào THPT bằng mọi giá như không vào trường công thì vào trường tư. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số em bỏ học giữa chừng ở bậc THPT do hoàn cảnh gia đình khó khăn hay không đủ năng lực tiếp thu kiến thức”. Đồng tình với ý kiến này, cô Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh) chia sẻ: “Số lượng HS ở trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn khá nhiều nhưng khi tư vấn chọn trường nghề cho HS, giáo viên hướng nghiệp cũng gặp không ít trở ngại, xuất phát từ tâm lý “trọng thầy khinh thợ” của PH”.
Từ năm 2005, Trung tâm Kỹ thuật – Tổng hợp hướng nghiệp huyện Bình Chánh đã đẩy mạnh công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS bằng việc tổ chức các hội thảo có mời hiệu trưởng, giáo viên hướng nghiệp, lãnh đạo địa phương để tư vấn trực tiếp về nghề nghiệp cho PH và HS. Ngoài ra, trung tâm còn hợp tác với các trường TCCN và CĐ nghề như: CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, TC Lương thực thực phẩm, TC Nam Sài Gòn… về các trường THCS để tư vấn. Vì thế, mỗi năm huyện đều có 200-300 em HS vào TCCN. Năm nay, địa bàn huyện có thêm một trường THPT mới là THPT Tân Túc nên huyện chỉ còn 400 em không vào được THPT công lập mà vào các hệ khác, vì vậy số lượng HS vào trường nghề có thể thấp hơn. Mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng trung tâm vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Thanh Long, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Một số PH hiện vẫn còn tâm lý muốn con có bằng tốt nghiệp THPT và các bậc cao hơn nên dù biết rõ năng lực học của con còn yếu nhưng vẫn muốn cho con vào lớp 10 công lập. Khi vào lớp 10 không theo kịp các bạn thì các em chán nản và bỏ học giữa chừng, phải chuyển sang học nghề. Điều này làm mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình các em. Theo thống kê, mỗi năm huyện Bình Chánh có khoảng 100 HS THPT bỏ học giữa chừng, đây cũng là vấn đề đau đầu của lãnh đạo địa phương”.
Đây không chỉ là thực trạng riêng của huyện Bình Chánh mà ở nhiều quận/huyện cũng diễn ra tương tự, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2010-2011 toàn thành phố có 6.558 HS THPT (tỷ lệ 3,31%) nghỉ, bỏ học giữa chừng.
Chính quyền địa phương cùng vào cuộc
Mặc dù nhận thức của PH còn nhiều hạn chế nhưng những năm qua ngành GD-ĐT TP.HCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên số lượng HS chọn trường nghề mỗi năm một tăng. Theo thống kê  của Sở GD-ĐT, năm học 2009-2010, thành phố chỉ có 5.112 HS vào TCCN thì năm học 2010-2011 có 6.010 HS; năm 2011-2012 tăng lên 8.301 HS. Đặc biệt, một số HS có năng lực học tập khá cũng đã tự nguyện đi vào hệ TCCN. Thầy Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: “Năm nay nhà trường phấn khởi vì một số HS có năng lực học tập tốt nhưng có năng khiếu về ca hát, thể thao, sửa chữa máy móc đã tự nộp đơn xin vào các trường dạy nghề để học”.
Những năm gần đây, Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận đã có nhiều đổi mới trong công tác phân luồng hướng nghiệp. Ông Võ Cao Long, Phó phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, phấn khởi cho hay: “Quyết định mới của Bộ GD-ĐT là miễn giảm 50% học phí cho HS sau THCS vào học nghề đã tạo điều kiện cho HS vào trường nghề tăng hơn những năm trước. Hơn nữa, những năm gần đây Q.Phú Nhuận đã đẩy mạnh hướng nghiệp cho HS lớp 9 bằng cách mời các trường TCCN (TC Vạn Tường, TC Nghề Nhân Đạo…) mở các ngày hội tư vấn cho PH và HS khiến PH đã có những cách nhìn mới về nghề nghiệp”.
Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, việc nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các trường TCCN cũng được các quận/huyện hết sức quan tâm. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, cho biết: “Thuyết phục PH cho HS vào trường nghề không chỉ bằng cách tuyên truyền mà còn phải đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất các trường TCCN thì họ mới tin tưởng cho con em học nghề. Năm nay, Q.Gò Vấp đã cấp kinh phí để đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất của Trường TC Nghề Quang Trung, đồng thời có một số thay đổi nhỏ trong Ban giám hiệu nhằm tạo ra đội ngũ lãnh đạo xuất sắc giúp nhà trường phát triển hơn”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Nói về thành quả của công tác phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – nhận định: Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của từng trường, từng phòng GD-ĐT cùng các ban ngành ở địa phương và cả phương tiện truyền thông trong công tác tuyên truyền hướng nghiệp mà nhận thức của PH đã có thay đổi, số lượng HS vào TCCN ngày một tăng. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ là bước đầu, toàn ngành cần cố gắng hơn nữa trong việc kết hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền hướng nghiệp cho các em, trong đó vai trò của giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường là trọng tâm bởi họ là những người nắm rõ năng lực học tập của HS để tuyên truyền cho PH.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)