Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp khuyên, để biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào, lĩnh vực nào, các em học sinh cần tận dụng những trải nghiệm thông qua những hoạt động ở nhà trường phổ thông.
Trải nghiệm năng lực ngành nghề qua các hoạt động
TS.Tô Nhi A (chuyên gia tư vấn tâm lý) nhận định, hành trình chọn ngành nghề y như “xé túi mù”, nếu ngồi yên thì sẽ không thể biết có gì trong đó. Để chọn được một nghề sau này làm cho đúng, làm sao chọn được ngành học sau này làm nghề đó, học ngành đó thì chọn trường nào để hành trình học tập thuận lợi… không có cách nào khác là phải “xé túi mù” của bản thân ra. Trước hết, các em cần phải biết có bao nhiêu nghề, tận dụng ChatGPT, Google để tìm hiểu về ngành nghề, học ngành nào để làm nghề đó.
Chuyên gia này cho hay, muốn biết bản thân hợp với ngành nghề nào thì các em có thể trải nghiệm ngay từ các môn học, hoạt động trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngay trên ghế nhà trường. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động được giáo viên phân công nhiệm vụ làm việc nhóm… “Chính trải nghiệm học tập trong nhà trường ở từng môn học một cách nghiêm túc chính là hành trình để học sinh hiểu được rằng bản thân mình giỏi ở lĩnh vực nào, về ngôn ngữ, quan hệ công chúng hay là kinh tế, công nghệ thông tin…, đều đến từ kết quả học tập của các em trên lớp. Các em hãy tập trung “xé túi mù” của bản thân từ chính các hoạt động của nhà trường để biết mình giỏi môn gì, ở lĩnh vực gì…”, TS. Tô Nhi A nói.
Theo TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), khi đặt bản thân vào một ngành nghề thì mỗi học sinh cần phải trả lời được câu hỏi rằng, bản thân mình mong muốn và chờ đợi gì ở ngành nghề này. Để đánh giá được bản thân có phù hợp với ngành nghề hay không thì cần phải xem được từ phía những sinh viên đã đi trước, từ các chuyên gia… để biết được điểm mạnh và cả những góc khuất của nghề nghiệp, phía trong đó còn là những gì để có thể trang bị thêm cho bản thân. Khả năng quan sát bắt buộc các em phải có. “Một ngành học mà nhiều người lựa chọn thì làm sao đảm bảo rằng ra trường ngành học đó bản thân mình có việc làm. Các em đã tìm hiểu được rằng đối với các sinh viên học ngành đó thì ra trường bao nhiêu người có việc làm và bao nhiêu người có việc làm đúng với ngành đào tạo. Bao nhiêu sinh viên đã thành công như kỳ vọng… Tất cả những điều này cũng cần phải tìm hiểu khi chọn ngành nghề”, TS. Phạm Tấn Hạ khuyên.
Mỗi ngành nghề đều có những tố chất riêng
ThS. Huỳnh Vũ Chi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chia sẻ, thế giới ngành nghề vô cùng đa dạng, không phải ngành nghề nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Không phải người nào cũng phù hợp với tất cả ngành nghề. Vì thế, việc xác định được ngành học phù hợp với năng lực, phẩm chất, tố chất của bản thân sẽ quyết định câu chuyện các em học tập ở môi trường hiệu quả và tiến xa hơn ở thị trường lao động với những kiến thức mình đang có.
Trước băn khoăn của học sinh về ngành luật, ThS. Huỳnh Vũ Chi cho rằng đây là ngành thú vị và gắn liền với cuộc sống ở tất cả mọi khía cạnh. Luật gồm một nhóm ngành với nhiều ngành học khác nhau, ví dụ như Luật Kinh tế, Luật Quốc tế…, tùy theo nhu cầu và môi trường, các bước mong muốn phát triển tương lai của người học. Tuy nhiên, dù học ngành luật nào đi nữa thì trước hết các em cũng phải tiếp cận những kiến thức về luật học, như Luật Hành chính, Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự…, sau đó sẽ chia ra những ngành học cụ thể như hình sự, dân sự, thương mại, thuế… Cơ hội việc làm sau khi ra trường với ngành luật hết sức rộng mở. Thông thường nhắc đến ngành luật sẽ làm luật sư, hoặc làm pháp chế tại doanh nghiệp. Muốn trở thành luật sư thì phải đầu tư thêm một năm học tại Học viện Tư pháp, thi lấy chứng chỉ hành nghề, thực tập tại một cơ quan luật, sau đó thi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, vào hội luật sư thì lúc đó mới chính thức trở thành luật sư. “Ngành luật đòi hỏi những tố chất rất riêng biệt. Để theo học ngành luật, trước hết các em phải có bản lĩnh chính trị tốt, yêu thích lẽ phải, trung thực; chịu được áp lực công việc rất lớn, có khả năng về ngôn ngữ tốt; có khả năng tranh biện, hùng biện; có trí nhớ tốt, giỏi về kiến thức xã hội học…”, ThS. Huỳnh Vũ Chi chia sẻ.
Thông tin về ngành truyền thông đa phương tiện, ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, đây là ngành học xuất hiện rất nhiều trong các lĩnh vực và khía cạnh khác nhau trong đời sống. Theo ông, trước đây khi nhắc đến truyền thông đa phương tiện chỉ bó hẹp là báo chí, truyền hình, giải trí; tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay truyền thông đa phương tiện đã xuất hiện rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, học thông qua nền tảng app trực quan sinh động… Ngành truyền thông đa phương tiện truyền tải những thông tin, thông điệp một cách có định hướng, chủ đích thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Học ngành này, người học sẽ được đào tạo các nền tảng về mặt báo chí, được đào tạo kỹ năng về viết, lên kịch bản, kiến thức nghiệp vụ về media, truyền thông, tổ chức sự kiện… Tố chất của ngành truyền thông đa phương tiện đó là đòi hỏi sự năng động về mặt ý tưởng và cả cảm xúc, phải tạo ra các nội dung mới mẻ. “Cơ hội về việc làm với ngành truyền thông đa phương tiện rất lớn, có thể làm người sáng tạo nội dung, làm về lĩnh vực báo chí, sự kiện… Với ngành này, các em có thể học ở nhiều trường với nhiều lĩnh vực khác nhau, như Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Học viện Báo chí Tuyên truyền, Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM…, tùy theo nhu cầu của mỗi người, năng lực học tập của người học mong muốn về môi trường học tập như thế nào để có quyết định lựa chọn”, ThS. Võ Ngọc Nhơn thông tin.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)