Một chương trình hướng nghiệp được tổ chức cho học sinh TP.HCM
|
Hoạt động hướng nghiệp ở bậc phổ thông chưa thực sự hiệu quả, sinh viên vào ĐH vẫn phải tiếp tục trải qua hướng nghiệp… Trong khi đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau trung học được xem là vô cùng cần thiết. Vì nếu không qua trường lớp đào tạo, các em chỉ được nhận làm những công việc giản đơn với thu nhập thấp và không ổn định.
Đại diện các trường ĐH, CĐ và phổ thông tham gia hội thảo “Hướng nghiệp năm 2015” do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp Báo Người lao động và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức mới đây đã chỉ ra hoạt động hướng nghiệp thời gian qua khá mờ nhạt, chất lượng chưa đáp ứng…
Hướng nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi năm thành phố có khoảng 70 ngàn học sinh tốt nghiệp THCS và 65 ngàn học sinh tốt nghiệp THPT. Với khối lượng học sinh này, công tác hướng nghiệp đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các năm qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có nhiều hoạt động lẫn giải pháp để công tác hướng nghiệp được các cấp quản lý và trường học quan tâm. Dù vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận hiện vẫn còn nhiều quận/huyện, trường học chưa thực hiện đầy đủ các nội dung giáo dục hướng nghiệp. Chất lượng hướng nghiệp tại các trường có tiến triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Học sinh phổ thông nhất là những em cuối cấp chưa được chuẩn bị chu đáo để lựa chọn nghề nghiệp.
Nhiều giáo viên phổ thông còn chỉ ra hoạt động hướng nghiệp dù được tổ chức rầm rộ thời gian qua nhưng lại nặng về nội dung tuyển sinh hơn là hướng nghiệp. Các trường phổ thông còn vướng nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, tài liệu hướng nghiệp. Chỉ đơn cử việc đưa học sinh đi tham quan, trải nghiệm để tìm hiểu ngành nghề… không phải trường nào cũng đủ điều kiện thực hiện. Chưa kể, nhiều đơn vị không hào hứng hỗ trợ các trường trong khâu thực hiện hoạt động này.
“Chính vì hướng nghiệp chưa hiệu quả ở phổ thông nên nhiều em khi đã trở thành sinh viên, các trường ĐH vẫn phải mất thêm công sức tiếp tục hướng nghiệp”, ThS. Hoàng Đức Bình (Giám đốc truyền thông – tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen) nêu thực tế.
“Bước khởi đầu quan trọng”
Khẳng định việc chọn ngành nghề không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới học tập và quá trình làm việc sau này của thí sinh, TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho rằng cần hết sức coi trọng hoạt động hướng nghiệp. TS. Trần Đình Lý quan niệm hướng nghiệp và tuyển sinh “tuy hai mà một”. Hướng nghiệp là vấn đề lớn hơn và cần phải đi trước một bước. Ông khẳng định, dù quy chế, chính sách tuyển sinh có đổi mới nhưng vấn đề hướng nghiệp vẫn luôn là cốt lõi, không thay đổi.
Đồng quan điểm, ông Lưu Đức Tiến (Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận định hoạt động giáo dục hướng nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt, là bước khởi đầu quan trọng của quá trình phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Trong hướng sắp tới, để hoạt động hướng nghiệp phát triển, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng sẽ tiếp tục đổi mới nội dung giảng dạy hướng nghiệp tại các trường phổ thông, tạo hứng thú cho học sinh. Đồng thời, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, tham mưu với UBND TP.HCM để có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho đội ngũ thực hiện công tác hướng nghiệp…
Dù có nhiều mô hình hướng nghiệp phong phú nhưng theo ThS. Hoàng Đức Bình, điều quan trọng là cần tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế ở những môi trường ngành nghề khác nhau để các em có được lựa chọn phù hợp. Bởi hướng nghiệp trên lý thuyết rất khó đạt hiệu quả.
Nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của hoạt động hướng nghiệp, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) phân tích, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ trong các đợt thi “3 chung” hằng năm khoảng 2 triệu lượt. Con số khá lớn này một phần do việc đăng ký dự thi được tiến hành từ tháng 3, trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT nên hầu hết học sinh đều nộp hồ sơ đăng ký dự thi dù nhiều em biết khó trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nếu học sinh biết kỳ thi ĐH, CĐ không phải là con đường duy nhất để trang bị kiến thức nghề nghiệp thì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hằng năm không đến mức quá tải như hiện nay.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo ông Lưu Đức Tiến (Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở GD-ĐT TP.HCM), hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh phổ thông bước tiếp vào con đường nghề nghiệp để đào tạo, cung ứng nhân lực có chất lượng phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng. Vì vậy, cần coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học, chuẩn bị cho thanh niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cả nước và từng địa phương. |
Bình luận (0)