Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng người dân tin dùng sản phẩm Việt

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ nông sản và thực phẩm đạt khoảng 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gia cầm và gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại/năm.

Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là bài toán khó giải đối với quản lý Nhà nước vì những sản phẩm nông sản không rõ xuất xứ, nguồn gốc, tôm cá, thịt bị ướp hóa chất, phun thuốc tăng trưởng…

Làm chặt từ khâu sản xuất

Trước thực trạng này, TP.HCM vừa ban hành “Chương trình phát triển sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (theo tiêu chuẩn VietGAP – gọi tắt là chương trình), giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của chương trình, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 80% diện tích rau quả, trên 60% sản lượng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn theo các quy trình VietGAP hoặc an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết: “Sở đã chính thức công bố hệ thống các điểm bán hàng thực phẩm được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn (TPAT), đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Đây là kết quả của quá trình TP quyết tâm, kiên trì triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP giai đoạn 2013-2015. TP cũng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thành công bước đầu mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn. Còn theo ông Nguyễn Danh Phương – Trưởng phòng Tổng hợp, Sở Công thương TP: “Năm 2013, sở đã ký kết với Saigon Co.op thử nghiệm tổ chức khu vực riêng biệt tại hệ thống siêu thị Co.opmart để phân phối sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, TP có 246 điểm bán TPAT, sở luôn giám sát chặt và yêu cầu các nhà cung cấp, ưu tiên sản phẩm VietGAP cho các cửa hàng tham gia chuỗi”. Về việc TP hình thành chuỗi các điểm phân phối TPAT, ông Hòa nhấn mạnh: “Mục đích rõ nét nhất của TP trong việc này là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tăng cường đầu tư, phát triển nhiều hơn các trang trại chăn nuôi và gieo trồng được công nhận VietGAP, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại”.

Thực phẩm sạch từ nơi sản xuất đến chợ

Dự toán tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 164 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ khoảng 120 tỉ đồng. Chương trình sẽ hỗ trợ trực tiếp cho nông dân theo các đối tượng cụ thể. Đối với các hộ trồng rau, quả sẽ hỗ trợ một lần 30% kinh phí đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính phục vụ sản xuất theo quy trình VietGAP; 50% chi phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất theo quy trình VietGAP. Đối với hộ chăn nuôi sẽ hỗ trợ một lần 30% chi phí đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, kho chứa nguyên liệu và thức ăn, kho chứa dụng cụ, máy móc và trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống đạt chuẩn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 50% chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đối với thủy sản, hỗ trợ một lần 30% chi phí đầu tư cải tạo ao nuôi, máy móc thiết bị phục vụ nuôi; 50% chi phí xây dựng nhà vệ sinh tự hoại; kho chứa thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phục vụ nuôi, kho chứa thiết bị, dụng cụ nuôi; 50% chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với sơ chế, bảo quản và xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ một lần 30% chi phí xây dựng nhà sơ chế đóng gói, đầu tư dụng cụ sơ chế, đóng gói; 100% chi phí xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn GMP, SSOP, HACCP.

Thêm một cơ hội để người nông dân cung cấp sản phẩm sạch vào chuỗi TPAT, anh Huỳnh Chí Công (ấp 6, Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) khấp khởi: “Đầu ra sản phẩm luôn là nỗi lo lắng của người sản xuất, gần như mạnh ai người đó làm. Với chương trình này của TP, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc cung cấp những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng TP”. Đại diện Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, đơn vị cung cấp thịt heo theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết: “Áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng khi mua thịt heo tại chuỗi TPAT… những sản phẩm này được bọc trong bao bì, có code (mã) để người tiêu dùng có thể truy ra được nguồn gốc của con heo ở đâu, bao nhiêu ký, chăn nuôi như thế nào, giết mổ ra sao… mới an tâm chế biến và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm”. Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc, Công ty Saigon Food cho rằng: “Tham gia chuỗi TPAT, doanh nghiệp được lợi rất nhiều, vì sản phẩm của mình được bày bán tại những hệ thống siêu thị có uy tín, thương hiệu. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng sạch – đảm bảo đạt chuẩn VietGAP, quan trọng nhất là người tiêu dùng sẽ dành tình cảm và tin dùng sản phẩm Việt”.

Còn ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định: “Saigon Co.op luôn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, ISO, HACCP, GMP khi thu mua đầu vào để đa dạng hóa nguồn hàng chất lượng cao trong hệ thống, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, nhằm thiết thực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sống của Nhân dân. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu mua sắm TPAT, chất lượng cao của Nhân dân cả nước trong đợt mua sắm cao điểm cuối năm nay”.

Bài, ảnh: Quang Huy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)