Để phát triển ngành du lịch phải cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là phải có chiến lược phát triển phù hợp, khả thi. Đó cũng chính là những yêu cầu đặt ra đối với ngành “công nghiệp không khói” này tại khu vực đồng bằng.
Ra mắt Ban chấp hành mới Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhiệm kỳ 2022-2027
1.Từ năm 2016-2017, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến – liên kết – hợp tác – quảng bá du lịch, đưa ngành du lịch (DL) từng bước phát triển, với mức tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Năm 2019, toàn ngành tiếp đón 47 triệu lượt khách, kỳ vọng năm 2020 sẽ đón trên 50 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đề ra.
Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2021 là thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng đến hoạt động du lịch cả nước, trong đó có ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở lưu trú, khu vui chơi – giải trí… phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động mất việc làm, doanh thu giảm sút nghiêm trọng, năm 2020 giảm 47% và năm 2021 giảm trên 80%.
Hiện nay, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã tái khởi động du lịch toàn vùng thông qua Hội nghị “Phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới”. Tại hội nghị, đại diện 13 Sở quản lý du lịch trong vùng ký kết chương trình liên kết hợp tác phục hồi và phát triển du lịch.
Tuy nhiên, vài địa phương trong vùng còn gặp khó khăn về tiềm năng, tài nguyên DL, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là về hạ tầng DL, nhất là hạ tầng giao thông hạn chế nên xuất phát điểm thấp, tốc độ phát triển chậm.
2.Tại Đại hội Hiệp hội DL ĐBSCL lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa tổ chức tại TP.Cần Thơ, ông Trần Việt Phường – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng: “Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện thắng lợi và thực sự đưa Nghị quyết vào đời sống, trong đó thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác liên kết, phát triển du lịch với TP.Hồ Chí Minh cũng như các Trung tâm du lịch lớn của cả nước”.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Tiếp tục nâng cao vai trò đầu mối hợp tác, liên kết phát triển và xây dựng sản phẩm đặc thù ĐBSCL. Đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến DL, hỗ trợ các DN hội viên tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyên đề với từng thị trường, và nâng cao năng lực cũng như chất lượng sản phẩm DL. Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, định hướng sản phẩm. Tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận đối tác nước ngoài, tăng cường chuyển đổi số; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển DL trong tình hình mới.
Đền thờ Vua Hùng tại TP.Cần Thơ mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan và kính viếng các Vua Hùng
Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nhận định: “Việc phục hồi DL thời gian gần đây, tại ĐBSCL và phạm vi toàn quốc, chủ yếu mới là các lễ hội, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ các DN du lịch đẩy mạnh công tác kích cầu và quan tâm hỗ trợ các doanh nghiêp (DN) vì họ là xương sống của hoạt động DL. Các cơ sở đào tạo DL phải bổ sung chương trình đào tạo để thích ứng với tình hình mới. Cần đưa vào những yếu tố mới trong khôi phục hoạt động DL vì nhiều nước bên cạnh ta đã thực hiện phong phú hóa sản phẩm và dịch vụ DL, rất thu hút khách… Tất nhiên con đường phát triển DL chưa có tiền lệ, các DN phải cố gắng để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới”.
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, đề nghị: Thời gian tới, ĐBSCL cần hình thành những chuỗi liên kết sản phẩm du lịch và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn kết hợp chuyển đổi số. Xây dựng chính sách phát triển DL: “Ban chấp hành nhiệm kỳ mới Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sát cánh và tư vấn chính sách cho chính quyền địa phương. Hiệp hội tiếp tục thể hiện là chỗ dựa, mái nhà chung của các DN và tổ chức, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Tôi đề nghị các địa phương hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội, cùng Hiệp hội tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế các địa phương để phát triển du lịch ĐBSCL, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. ” – ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Đan Phượng
Bình luận (0)