Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hướng ra đề và ôn thi môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng tôi xin trình bày một số yêu cầu của đề làm văn, ôn luyện thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Học sinh muốn làm văn hay phải viết đúng quy tắc chính tả, dùng từ, dùng câu. Ảnh: A.Khôi

Thời lượng

Đề kiểm tra cần có dung lượng phù hợp thời gian làm bài theo định hướng của đề thi minh họa. Nếu nội dung đề ngắn quá thì học sinh làm bài sẽ dư thời gian và ngược lại, nếu nội dung nhiều thì các em không đủ thời lượng để trình bày hết mọi nội dung do đề ra yêu cầu.

Nội dung

Nội dung đề không nên và không được lặp lại các đề tuyển sinh ĐH, CĐ, THPT quốc gia, cũng như những đề có nhiều bài mẫu. Điều này sẽ gây nhàm chán cho học sinh, nhất là đối tượng học sinh khá giỏi. Ngược lại, học sinh yếu kém có thể thích nhưng không phát huy được khả năng sáng tạo và khó nói trước những tiêu cực xảy ra mà cụ thể nhất là học thuộc và sao chép văn mẫu vào bài làm.

Cơ sở ra đề

Người ra đề nên dựa vào cơ sở thi pháp học quen thuộc ở bậc THPT để ra đề như: tư tưởng nhân văn của tác giả, hình tượng nhân vật, hình tượng nghệ thuật, đặc trưng thể loại và phong cách nhà văn, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật… Có như vậy đề mới đậm chất văn chương và gợi mở những ý tưởng mới cho người viết. Cơ sở thi pháp học được xem như nền tảng của việc phê bình, đánh giá tác phẩm trong đó có bài làm của học sinh.

Do thời lượng làm bài ít nên không đưa ra loại đề có nội dung tích hợp liên văn bản như: hình tượng nhân vật, hình tượng nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn, đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm, phong cách, bút pháp nhà văn… của hai hay chùm tác phẩm đã được học. Đây là “khoảng xác định” về nội dung và thời lượng của đề ra môn văn. Điều đáng lưu ý nữa là  Bộ GD-ĐT chưa ra đề theo hướng mở trong tuyển sinh ĐH, CĐ, THPT quốc gia. Vì thế việc ôn luyện bằng đề theo hướng mở là quyền của giáo viên.

Ôn luyện bằng đề làm văn

Điều quyết định trong ôn tập là học sinh được trực tiếp đọc văn bản để nhớ truyện, thuộc thơ. Học sinh trả lời được câu hỏi hướng dẫn học bài cuối văn bản, nắm vững phần kết quả cần đạt và phần ghi nhớ được đóng khung trước và sau văn bản của sách giáo khoa. Bởi vì các đề tuyển sinh ĐH, CĐ, THPT quốc gia đều có nguồn gốc từ đây. Văn bản được coi là gốc rễ của mọi đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học cụ thể.

Dùng đề ôn luyện cho học sinh làm dàn bài hoặc thành văn. Phần làm bài của học sinh được giáo viên chấm sửa theo yêu cầu của đáp án khung ở các đề thi THPT quốc gia như: xây dựng cấu trúc bài (mở bài, thân bài, kết bài) định hướng cho học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận, triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm. Lưu ý các em nắm vững các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Viết văn phải đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. Khơi gợi nhiều yếu tố sáng tạo trong bài làm như phát hiện ý mới, tìm cách diễn đạt lạ, trong sáng, chuẩn mực phù hợp nội dung bài làm. Có như vậy bài viết mới vượt trội về phong cách trình bày và diễn đạt ý.

Một số đề bài tham khảo

Phân tích nét độc đáo về bút pháp miêu tả cảnh vật phố huyện trong thời gian và không gian của Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ; Phân tích nghệ thuật xây dựng hai nhân vật đối lập Huấn Cao và viên quản ngục của nhà văn Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù; Phân tích hình tượng tràng giang giàu ý nghĩa ẩn dụ trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận; Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh trong bài Chiều tối (Mộ); “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, về sự thật đã thành một nước tự do, độc lập: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục tái bản 2010, trang 41). Phân tích nghệ thuật lập luận đoạn văn trên. Anh/chị hiểu ý nghĩa thiêng liêng của lời kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập đối với chủ quyền lãnh thổ nước ta hiện nay như thế nào?; Hãy trình bày cảm nhận và lý giải chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đem lại sức hấp dẫn biểu hiện hình ảnh đất nước trong đoạn Đất nước (trích Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm); Có thể nói hình tượng sóng cũng chính là hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được không? Từ cảm nhận của mình về bài thơ, anh/chị hãy viết bài trả lời câu hỏi trên; Cảm nhận của anh/chị về hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo; Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên ở miền Tây Bắc trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân; Phân tích cách nhìn độc đáo mang tính phát hiện của tác giả về sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử dân tộc và thơ ca trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường; Hãy viết bài trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân: Ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau; Những thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ của anh/chị với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Hùng Phi Chường
(Trường THPT Đức Trí, TP.HCM)

Bình luận (0)