Y tế - Văn hóaThư giãn

Hương rạ xưa…

Tạp Chí Giáo Dục

Xung quanh nhà bà ngoại tôi, lúc nào cũng có vài ba cây rạ. Cây lớn, cây nhỏ và cây nhỡ đủ cả. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, cây nào cây nấy lại béo tròn béo trục và vàng ươm, thơm lừng…

Tôi không biết những cây rạ đó bao nhiêu tuổi, nhưng từ khi tôi biết quan sát mọi thứ xung quanh thì chúng đã tồn tại ở đó rồi. Những cây rạ đó gắn liền với tuổi thơ cơ cực của các anh chị họ tôi; gắn với cuộc đời lam lũ chân lấm tay bùn của bà ngoại tôi, của bác trai và bác dâu tôi.

Tôi còn nhớ vào những năm giữa của thập niên 80 trở về trước, sau khi lúa được gặt và đem về nhà phơi khô là bà ngoại, bác dâu và chị họ của tôi lại ra ruộng cắt rạ rồi phơi luôn ở đấy. Rạ khô thì các anh họ của tôi gánh về nhà và chất thành vòng tròn cho đến khi cái vòng tròn đó to cỡ 8-9 đứa trẻ giang tay ra ôm. Cây nhỏ hơn thì cũng cỡ vòng tay của 3 người lớn. Cây lớn thì cao ngấp nghé hiên nhà, cây nhỏ cũng hơn đầu người lớn…

Rạ có vai trò rất quan trọng đối với mọi người trong gia đình bà ngoại tôi. Nó chính là nguyên liệu để biến thực phẩm sống thành chín, biến gạo thành cơm… Bởi vậy mà nồi niêu nhà bà ngoại tôi lúc nào cũng có một lớp dày muội đen. Bếp thì lúc nào cũng bụi và khói. Mỗi dịp về quê, thỉnh thoảng tôi cũng ghé vào bếp lúc bà ngoại hoặc bác dâu nấu ăn rồi phải vội vã quay ra vì khói cay cả mắt. Vậy mà mấy chục năm qua, bà ngoại, bác dâu và rất nhiều phụ nữ ở nông thôn miền Bắc hồi ấy ngày hai bận phải ngửi khói đến không mở nổi mắt…

Rạ còn được bà ngoại tôi dùng lót ổ cho gà mái đẻ và ấp trứng. Bà cũng lấy rạ làm thức ăn sơ cua cho bò mỗi khi nhà hết cỏ, hoặc không có ai rảnh để dắt nó ra ngoài cánh đồng làng. Mùa đông, nhất là những đêm mưa phùn gió bấc, trời lạnh thấu xương, để giữ ấm cho bò, bà lại lấy rạ cho chúng nằm.

Và tôi cũng chẳng còn nhớ đã bao nhiêu mùa đông trời rét căm căm, cơ thể của bà và mọi người trong gia đình cũng được sưởi ấm bằng… rạ. Nhà bà là nhà tranh vách đất nên gió cứ vô tư lùa vào nhà rồi luồn vào quần vào áo khiến cho ai cũng lạnh cóng. Thời đó đất nước còn khó khăn, nhà nào cũng nghèo, ở nông thôn còn nghèo hơn. Bởi vậy làm gì có nệm, cũng đâu có dư chăn bông để lót bên dưới cho ấm lưng. Lạnh quá không ngủ được nên mọi người trong nhà nghĩ ra sáng kiến lót ổ rạ. Tức là lấy rạ trải lên giường (giường bằng tre do bác trai và các anh họ của tôi đóng), sau đó trải chiếu lên lớp rạ. Trời đất ơi, ấm ơi là ấm. Hồi đó, cứ đến Tết là bố mẹ tôi cho chị em tôi về nhà bà ngoại và ngủ lại một đêm. Bởi vậy tôi cũng đã được ngủ trong ổ rạ. Được cảm nhận hơi ấm của rạ, ngửi được cả mùi thơm của rạ. Đó đương nhiên không phải là mùi của nước hoa Versace tôi vẫn thường dùng, nhất là khi trời lạnh. Đó là mùi thơm của bùn đất, của nước nơi gốc rạ được hình thành. Và đó còn là mùi của những giọt mồ hôi của bà ngoại, của bác trai, bác dâu và các anh chị họ tôi… Đó chính xác là mùi quê hương tôi.

Giờ đây, bà ngoại tôi đã đi xa; kinh tế gia đình bác tôi cũng khấm khá hơn nhiều – ổ rạ ngày ấy đã được thay bằng những chiếc nệm Vạn Thành, Kymdan và bếp ga, nồi điện cũng đã thế chỗ cho cái kiềng 3 chân nấu rạ. Có lẽ vì vậy mà những cây rạ ấy đã không còn nữa. Song, hương của rạ vẫn phảng phất trong tâm trí tôi vì ít nhiều đó cũng là một phần ký ức tuổi thơ tôi…

Hòa Triu

 

Bình luận (0)