Khởi hành từ 1 giờ sáng, chúng tôi phải ngủ trên xe vượt gần 190km để đến U Minh Thượng. Thay vì theo hướng đi ngã ba lộ tẻ Long Xuyên rồi đi Rạch Sỏi, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi chọn lối đi xuyên qua tỉnh Hậu Giang để đến An Biên và Vĩnh Thuận, vì tuyến đường này ít xe và con đường thì nhỏ nhắn thật hiếm có sau thời kỳ phát triển mở rộng lộ giới.
Từ đó chúng tôi đi qua Hỏa Lựu, kinh 5… những địa danh nghe ngồ ngộ và nhất là qua phà Tắc Cậu, chuyến phà gợi nhớ cảnh chờ phà Cần Thơ do kẹt xe mỗi buổi chiều trước đây.
Tắc ráng cao tốc đưa du khách đi sâu vào rừng U Minh. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Xe đến phà Tắc Cậu hay còn được gọi là Xẻo Rô vào lúc 5 giờ sáng. Đến đây tôi mới hiểu vùng mà người ta gọi là ‘miệt thứ’, nơi mà ngày xưa người ta nói là "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh". Tôi nhìn thấy nhiều bản ghi chú địa danh Thứ Hai… Thứ Bảy, Thứ Mười. Tuyến phà phải đi qua hai con sông và đi dọc dài con kênh xáng Xẻo Rô khá thích thú so với các phà khác là chỉ qua một con sông.
Tôi chợt nhớ câu hò ru con ngày xưa tôi thường nghe: Hò ơi!… Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, em về miệt thứ ơ ờ… Hò ơi!… Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai?!
Tắc, vàm, thứ hay xẻo cũng giống như Dak, Ea … ở vùng Tây nguyên là để chỉ đầu nguồn một con nước.
Kinh rạch chằng chịt trong rừng U Minh Thượng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Đến U Minh Thượng khoảng 6g30, chúng tôi phải lập tức vào rừng ngay để xem chim rừng khởi động bay đi kiếm ăn. Theo bản năng sinh tồn, các loài chim sau khi đi kiếm ăn ở bãi bồi ven sông hay biển, các nơi có nguồn thức ăn, chiều tối chúng quay về trảng, một nơi trống trải nằm giữa rừng để trú qua đêm, đề phòng con người và thú khác ăn thịt. Thường thì trảng là nơi có nước quanh năm để chúng không bị khát và cũng là nơi dễ sinh sản. Đứng từ xa, chúng tôi la lên là lập tức hàng đàn chim hoảng sợ tung cánh bay lên rồi lượn lờ trên bầu trời sớm tinh mơ.
Theo các ghi chép và nguồn tài liệu của trường đại học Cần Thơ thì ở U Minh Thượng có hơn 200 loài chim, trong đó có 30 loài được ghi vào sách đỏ. Về động vật quý hiếm có nhím samatra, chồn đuôi ngựa. Các loài khác như trúc, khỉ, heo rừng … Và đặc biệt là vào mùa mưa hay những nơi ẩm thấp trong rừng có rất nhiều vắt.
‘Chụp đìa’ một hình thức đánh bắt cá sáng tạo, không làm hư hệ sinh thái tự nhiên của rừng.
Chúng tôi thưởng thức bữa ăn sáng với món bún cá rừng. Món cá rừng tự nhiên kèm hơi nóng mới vừa nấu chín làm cho tô bún thêm đậm đà mùi vị tự nhiên hiếm có của vùng khỉ ho cò gáy. Sau bữa ăn sáng chúng tôi bắt đầu khám phá rừng bằng tắc ráng cao tốc. Thú vị làm sao khi lướt tắc ráng trên lục bình, trên bèo xuyên qua rừng chuối, rừng tràm… dọc theo các con kênh đào. Càng vào sâu, không khí rừng càng thêm thích thú. Hương rừng tự nhiên hòa với mùi sình non, cỏ cây, hương hoa tràm làm cho cái chất hoang dã của rừng càng thêm đậm đà.
Người dân ở đây cũng gác kèo ong rừng để lấy mật bán cho khách tham quan. Ong mật làm tổ tự nhiên rất nhiều dọc theo kênh và sâu trong rừng. Trung bình mỗi ký mật giá khoảng 200.000 đồng. Người ta vắt lấy mật tại chỗ cho chúng tôi xem.
Thu hoạch cá trong rừng từ chụp đìa. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Cá rừng ăn bống tạo nên bọt bong bóng nhiều chỗ cho thấy sức sống tự nhiên trong rừng hết sức phong phú và tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của rừng. Từng nhóm chim, đôi khi là đàn cò bay lượn lờ như bị chúng tôi đuổi bắt từ tiếng vang ‘tạch tạch’ của động cơ chiếc tắc ráng. Chúng bay đi trước rồi đậu lại như chờ đợi chúng tôi đuổi kịp rồi lại bay đi tiếp. Xa xa là các lán nhà của các anh em bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Chúng tôi quay về điểm xuất phát nghỉ ngơi khoảng một giờ để chuẩn bị cho việc ‘chụp đìa’. Trong thời gian chờ chụp đìa chúng tôi chống xuồng đi hái rau rừng. Rau muống rừng, đọt chọi, rau má, cải tàu bay, bắp chuối rừng… tất cả đều là những món hấp dẫn thơm ngon một cách tự nhiên và là những món hiếm có đối với người sống ở thành thị.
Chụp đìa là hình thức đánh bắt cá sáng tạo của người dân trong vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên. Người ta phủ lưới bít hết diện tích mặt nước dài chừng 100 đến 200 mét cho một tàu lưới để làm cho cá ngộp do thiếu oxy và cá không thể ngoi lên mặt nước để hớp không khí. Khi đó chúng cố gắng len theo mé và phóng vào tay lưới nơi có nước và không khí để thở. Sau khoảng vài giờ người ta bắt đầu thu lưới để bắt cá. Đánh cá bằng hình thức ‘chụp đìa’ giúp cho con người không làm hư hệ sinh thái tự nhiên do tát nước làm cạn nguồn sống của tôm cá tự nhiên mà vẫn thu hoạch được cá.
Phà Tắc Cậu phải qua hai con sông ở hai đầu, phần giữa là con sông.
Do trời mưa mấy hôm trước nên khi chụp đìa cá không nhiều lắm so với sức rừng nhưng đối với chúng tôi số thu hoạch từ chụp đìa lần này cũng là khá nhiều. Nhóm cá lóc to chừng dăm mươi con, các thác lác là nhiều hơn, còn lại là cá rô, cá sặc… Những con cá lớn dùng chế biến món ăn, số cá nhỏ hay cá có trứng được thả lại rừng.
Bữa trưa hoành tráng với món cá lóc, cá trê nướng, các loại cá nấu với mắm ăn với rau rừng, bắp chuối rừng thật tuyệt vời và tuyệt vời nhất đó là hương rừng U Minh như một huyền thoại của một vùng đất thiêng liêng ngày nọ.
Theo TBKTSG
Bình luận (0)