Quy định cấm sinh viên đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết và hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… mới được Bộ GD-ĐT ban hành sẽ không làm khó sinh viên khi các em biết sử dụng mạng xã hội đúng mục đích.
Sinh viên đang lên mạng truy cập web |
Thời gian qua, với quan niệm mạng xã hội là “ảo” nên chuyện một bộ phận sinh viên đăng tải những nội dung phản cảm, thiếu phù hợp là có thật. Nhất là trong điều kiện các trường ĐH, CĐ gần như không thể kiểm soát việc dùng mạng xã hội của các em.
“An toàn là bạn”
Xuất hiện trong clip được phát trên mạng xã hội với trạng thái hô hào “Tôi là sinh viên năm nhất Trường ĐH Hoa Sen, năm 2016 tôi sẽ đạt được mục tiêu là 1.000 USD/tháng. Tôi tin mình sẽ làm được…” tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) vừa qua, một nữ sinh viên Trường ĐH Hoa Sen ngay lập tức đã được nhà trường yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, không được sử dụng tên trường vào những hoạt động cá nhân tương tự. ThS. Hoàng Đức Bình – Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen – cho biết điều này và nhận định đây là trường hợp sinh viên duy nhất mà nhà trường đã phải can thiệp đối với việc sử dụng mạng xã hội trong thời gian qua. Đến nay trường chưa có trường hợp sinh viên nào bị xử lý vì đăng hình ảnh thiếu nhạy cảm ở mức độ quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Bình, nhiều người trong đó có một bộ phận sinh viên hay có thói quen nghĩ mạng xã hội là “ảo” nên muốn đăng gì thì đăng, thiếu kiểm soát nội dung. Điều này về lâu về dài có thể ảnh hưởng không tốt đến chính bản thân các em và trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng tới cả tập thể. Bởi lời nói bên ngoài có thể xong rồi sẽ trôi, nhưng nội dung trên mạng xã hội thường được lưu lại.
Nguyễn Trung Quang (sinh viên năm cuối Trường CĐ Giao thông vận tải 3) cho hay em đã nhiều lần bị “gắn thẻ” vào những hình ảnh ăn mặc phản cảm của một số bạn nữ, thậm chí còn kèm theo những lời lẽ trêu chọc khiếm nhã. Trung Quang đã phải chặn facebook nhiều đối tượng như trên. Theo Trung Quang, em dùng mạng xã hội như facebook để đăng tải những hình ảnh, hoạt động vui cùng với gia đình, bạn bè hoặc chia sẻ tài liệu học tập. Những bạn xài mạng xã hội ngoài những mục đích trên rất dễ gây phiền hà cho người khác, như một vài trường hợp em vừa đơn cử trên đây.
Quy chế công tác sinh viên mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định 10 điều sinh viên không được làm, trong đó có việc đăng tải, bình luận chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet… |
Không chỉ Trung Quang, nhiều sinh viên khác cũng bày tỏ đã không ít lần cảm thấy ngượng ngùng khó xử khi phải vô tình bắt gặp những hình ảnh thiếu nhạy cảm trên facebook. Trường An (sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) bộc bạch, việc một số sinh viên đăng tải hay chia sẻ những nội dung thiếu nhạy cảm nhiều khi chỉ để… cho vui, tuy nhiên qua đó lại để lại ấn tượng không tốt. Theo Trường An, quy định cấm sinh viên đăng tải, bình luận chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… tuy có lợi giúp sinh viên điều chỉnh hành vi nhưng cũng có phần khiến các em cảm thấy gò bó. “Điều quan trọng là tăng cường những hoạt động tuyên truyền giúp sinh viên hiểu và nâng cao ý thức để sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh nhất” – Trường An nói.
“Tăng đề kháng” cho sinh viên
ThS. Hoàng Đức Bình cho rằng, trong trường hợp sinh viên đăng tải trên mạng xã hội những nội dung phản cảm, thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng tiêu cực thì ngay khi không có quy định của Bộ GD-ĐT cũng đã có những điều luật khác của xã hội điều chỉnh. Các trường ĐH cũng không sử dụng quy định (trong quy chế công tác sinh viên) mà bộ vừa ban hành để hằng ngày… truy lỗi sinh viên mà nhằm làm căn cứ xử lý thích hợp vào những tình huống thực tế. Ông Bình cho rằng, nhà trường rất khó kiểm soát sinh viên dùng mạng xã hội, chỉ những trường hợp nào gây ảnh hưởng lớn đến trường, cộng đồng… thì nhà trường mới có biện pháp can thiệp.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Thanh Mai – Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – cũng nhìn nhận, trong thế giới phẳng, rất khó quản việc sinh viên dùng mạng xã hội. Thay vì quản, ĐH này thường tăng cường những hoạt động tương tự việc “tiêm ngừa” để sinh viên có “kháng thể”, biết cách chủ động ứng xử trước những tình huống thực tế.
Bà Mai còn cho rằng, trong điều kiện hội nhập quốc tế và đào tạo tín chỉ như hiện nay, những quy định của quy chế sẽ giúp người sinh viên giữa môi trường rất tự do có được những định hướng đúng đắn cho việc học tập rèn luyện, để khi tốt nghiệp kiếm được việc làm tốt nhất, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
“Hiện nhiều công ty, đơn vị, tổ chức… khi tuyển nhân viên thường xem xét quá trình hoạt động, cách ứng xử của ứng viên thông qua mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook. Việc đưa ra các quy định như thế này là cần thiết, góp phần khuyến cáo sinh viên điều chỉnh hành vi tốt hơn. Thực tế cũng cho thấy những sinh viên biết sử dụng mạng xã hội hữu ích để học tập, mở mang các mối quan hệ… đã thuận lợi rất nhiều trong tìm kiếm cơ hội việc làm, lập thân lập nghiệp” – ông Bình nói.
Bài, ảnh: M.Tâm
Bình luận (0)