Trường chuyên phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Vinh dự được sự tín nhiệm của lãnh đạo ngành GD-ĐT TP.HCM và đồng nghiệp, thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Những chia sẻ về nghề nghiệp cũng như những tồn tại cần được khắc phục và đổi mới trong thời gian tới được thầy Dũng đặt quyết tâm nếu trúng cử đại biểu HĐND TP khóa tới.
Thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập ba trung tâm chất lượng cao của cả nước, đó là Chu Văn An (Hà Nội), Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) và Lê Hồng Phong (TP.HCM). Với việc thành lập này, Nhà nước đã đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, giáo viên… cho các trường, riêng TP hàng năm đều có những đầu tư mạnh cả về vật chất lẫn con người, giúp nhà trường ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng được sự mong mỏi của TP và xã hội. Thuận lợi là thế trách nhiệm đặt lên nhà trường cũng rất lớn, vì các em vào học tại trường đã có một nền tảng kiến thức rất vững nên phụ huynh và xã hội đòi hỏi nhà trường phải đặt chất lượng giảng dạy cũng phải cao hơn. Nhà trường phải chăm sóc các em một cách chu đáo, để các em phát huy hết được khả năng của mình. Rất mừng là nhà trường đã đáp ứng được sự mong mỏi này khi năm nào tỷ lệ đậu vào đại học của trường đều đạt trên 95%, đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, khu vực hay quốc gia”.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nhà trường còn điều gì băn khoăn?
– HS vào trường để nhà trường nhận nhiệm vụ đào tạo các em thành những nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên, công việc giảng dạy trong nhà trường còn bị ràng buộc nhiều vào chương trình, sách giáo khoa và kế hoạch giảng dạy chung của Bộ GD-ĐT, chưa cho phép thầy cô giáo cũng như các em học sinh có được sự sáng tạo riêng mang dấu ấn của trường. Bởi vì, nếu cứ làm và hiểu theo cách thông thường “thi cái nào thì dạy cái đó” như vậy sẽ bị ràng buộc ít nhiều về vấn đề thi cử của các em và dạy phải làm sao cho các em đạt kết quả cao trong thi cử. Chưa được cởi trói trong vấn đề thi cử, nhà trường rất băn khoăn về những lứa học trò do trường đào tạo về khả năng sáng tạo, năng động và kỹ năng sống của các em. Để các em đáp ứng được chuyện thi cử thì trường đã làm điều đó rất tốt nhưng đòi hỏi hơn nữa thì trường chưa làm được. Đó là điều băn khoăn rất lớn nhưng nó phần nào vượt ngoài khả năng của trường!
Năm 2007, Bộ GD-ĐT có tổ chức hội nghị về trường chuyên, bản thân tôi có vinh dự được tham dự và trình bày tham luận tại hội nghị này. Vấn đề đặt ra trong bản tham luận là vai trò, nhiệm vụ của trường chuyên là gì? Có phải là nơi để đào tạo những HS đi thi HS giỏi quốc gia, quốc tế không? Đánh giá kết quả của một trường THPT chuyên là gì? Có giải quốc gia, quốc tế hay không?… Mảng thi HS giỏi chỉ là một hoạt động trong những hoạt động của trường chuyên và đó có phải là tiêu chí chính yếu để đánh giá trường chuyên không? Cả nước 63 tỉnh thành đều có trường chuyên và nguyên hệ thống trường chuyên này đều được đầu tư tốt hơn những trường THPT khác mà chỉ để phục vụ các kỳ thi học sinh giỏi thì đó là một sự lãng phí rất lớn. Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ chính của trường chuyên đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và đất nước, đó mới là điều cốt lõi. Bởi trong khi chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư tốt nhất về cơ sở vật chất lẫn con người cho tất cả các trường THPT thì việc đầu tư có trọng điểm cho 1, 2 hoặc 3 trường là để thu hút những HS xuất sắc nhất của từng địa phương và đào tạo các em, để các em tiếp tục con đường học vấn lên cao hơn nữa. Nhưng điều đó, nhiều lúc, người ta cũng không nhìn nhận một cách chính đáng.
Vậy cách gì để từng bước cải thiện vấn đề này?
– Thời gian qua, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe và tìm những giải pháp thay đổi trong giảng dạy một cách tốt nhất của các trường chuyên, nhằm phát huy được những ưu việt của loại hình trường chuyên. Với tư cách là một trong những đại biểu tham gia và có tham luận tại những hội nghị, hội thảo do bộ tổ chức. Hiện nay các em HS của trường chuyên trong cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng thì HS có chương trình học tập cũng giống như tất cả các trường THPT bình thường, đối với các em học chuyên thì bị học nặng thêm về môn năng khiếu, môn chuyên của mình nữa. Như vậy, nó cứ bị chồng chất nên tạo ra áp lực học tập lớn. Trong khi đó, với khả năng của mình các em có thể học nhanh một số môn phụ để dành thời gian cho học môn chuyên, điều này bộ đã ghi nhận coi như cái đó trong tương lai sẽ thay đổi nhưng đáng tiếc đến bây giờ vẫn chưa có thay đổi gì?!
Nếu được trúng cử đại biểu HĐND TP khóa tới, thầy sẽ có hành động cụ thể gì?
– Hiện tôi còn rất nhiều trăn trở như: nội dung thi cử, chế độ, quyền lợi của GV… Những trăn trở này không nằm trong quyền hạn của một địa phương mà thuộc về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Hay dạy thêm học thêm, xã hội coi đó là hệ quả của nhà trường hoặc do thầy cô giáo ép học sinh phải đi học thêm. Tôi muốn cần phải làm cho mọi người thấy rõ rằng: đó không phải áp lực do nhà trường tạo ra, không từ thầy cô giáo mà do cơ chế, cách tổ chức thi cử chưa hợp lý nên tạo ra áp lực học tập cho HS và nhà trường.
Tôi nghĩ rằng, nếu được cử tri tín nhiệm trước hết sẽ thu xếp thời gian một cách khoa học nhất để tham gia đầy đủ các hoạt động, kỳ họp của HĐND. Vì là đại biểu của ngành GD và nghề nghiệp của bản thân là thầy giáo do đó vấn đề GD là vấn đề được tôi ưu tiên và quan tâm nhất.
Hi vọng rằng, nếu được trở thành đại biểu, trước hết tôi sẽ mang tiếng nói của ngành GD để làm sao cho HĐND, UBND TP hiểu rõ hơn nữa về ngành, các hoạt động của các cơ sở GD để có những quyết định hợp lý, đáp ứng được những nhu cầu của ngành GD-ĐT TP.
Xin cám ơn thầy!
Lê Quang Huy (thực hiện)
Thầy Võ Anh Dũng: sinh ngày 8-6-1954; năm 1976 tốt nghiệp Trường ĐHSP Sài Gòn; 1976-1978 là giáo viên toán kiêm Bí thư Chi đoàn Trường cấp II, III Chu Văn An; 1978 cho đến nay về công tác tại Trường Lê Hồng Phong đã trải qua các quá trình: giáo viên, Bí thư Chi đoàn trường, Phó hiệu trưởng và hiện nay là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ nhà trường. Trong quá trình công tác tại trường đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp GD; Huân chương Lao động hạng III; được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. |
Bình luận (0)