SV Đà Nẵng đang đọc tiểu sử các ứng cử viên
|
Hòa cùng không khí khẩn trương chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN) trên địa bàn TP.Đà Nẵng đang háo hức mong đợi với niềm tin và sự kỳ vọng lớn…
Sinh viên phấn khởi
Đến các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng những ngày này, chúng tôi ghi nhận một không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử với tinh thần khẩn trương, mặc dù đây là thời điểm các trường tổ chức cho SV thi giữa học kỳ 2 năm học 2010-2011.
Hầu hết các SV đang theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN trên địa bàn TP đều là lần đầu tiên tham gia bầu cử nên cùng niềm hân hoan và sự kỳ vọng lớn lao các em cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi sắp chuẩn bị thực hiện quyền công dân của mình. Em Trần Vũ Văn, quê Quảng Trị, SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tâm sự: “Đây là lần đầu tiên em tham gia bầu cử nên rất bỡ ngỡ. Mặc dù đang bận rộn với việc ôn thi học kỳ nhưng em cũng dành thời gian để nghiên cứu kỹ Luật Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và danh sách các ứng cử viên để tìm được những vị đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Còn em Nguyễn Thanh Ba, quê Quảng Nam, là SV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng bộc bạch: “Em rất vui khi được cầm trên tay tấm thẻ cử tri đi bầu cử để chọn ra ứng cử viên có tâm, tài để xây dựng quê hương”.
Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Đến thời điểm này, các trường TCCN, CĐ, ĐH đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử, hướng dẫn công tác bầu cử… cho HS, SV đều được thực hiện bằng nhiều kênh như: thông qua giáo viên chủ nhiệm, văn nghệ, tổ chức cho SV đối thoại với khoa, nhà trường…
Thầy Võ Như Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng, cho biết: Đợt này trường có 800 cử tri tham gia bỏ phiếu. Hầu hết SV đều tham gia bầu cử lần đầu tiên nên để tránh những bỡ ngỡ cho các em trong khi thực hiện quyền công dân của mình, nhà trường đã tổ chức kỹ việc phổ biến Luật Bầu cử cũng như các hoạt động liên quan đến vấn đề bầu cử thông qua đội ngũ ban cán sự lớp và cán bộ Đoàn.
Theo thầy Đoàn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đợt này nhà trường có 4 tổ bầu cử tại phường Hòa Khánh Bắc. Trước khi lập danh sách cử tri để chuyển về phường, Phòng Công tác HS-SV, thông qua GVCN, đã cho SV đăng ký tham gia bỏ phiếu ở đâu theo 2 mẫu. Mẫu 1 dành cho những SV đủ điều kiện bầu cử ở trường dành cho những em ở KTX hoặc có thời gian tạm trú từ 6 tháng trở lên. Mẫu 2 dành cho những SV không đủ điều kiện bầu cử tại trường, là những em không đăng ký tạm trú trên địa bàn hoặc tạm trú chưa đủ 6 tháng. “SV đăng ký vào mẫu cũng đồng thời đã hiểu được nghĩa vụ bầu cử của mình. Đối với những em không đủ điều kiện bầu cử tại các tổ bầu cử ở trường, sẽ phải thực hiện bầu cử tại địa phương. Đối với những SV này, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các em nếu muốn tham gia bầu cử ở trường thì phải xin giấy xác nhận của địa phương, gia đình phải gửi thẻ cử tri để các em thực hiện quyền công dân của mình”.
Trường ĐH Bách khoa cũng đã tổ chức đêm văn nghệ tuyên truyền, phục vụ cho công tác bầu cử. Bên cạnh đó, việc tổ chức đối thoại với SV về những vấn đề liên quan đến công tác bầu cử được tổ chức ở quy mô cấp khoa và cấp nhà trường, để các em thấy được tham gia bầu cử vừa là quyền lợi nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Sử dụng chung KTX với Trường CĐ Công nghệ và ĐH Kinh tế, thế nên đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã làm việc với hai trường này để tạo điều kiện thuận lợi cho những SV đang ở nội trú tại đây tham gia công tác bầu cử. Ngoài việc tuyên truyền thông qua giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Trường ĐH Ngoại ngữ còn thành lập một đội văn nghệ để tham gia giao lưu với cử tri quận Cẩm Lệ phục vụ cho công tác bầu cử. Trường cũng đã cử đại diện SV đi dự tiếp xúc cử tri của phường Khuê Trung – địa bàn trường đang đóng chân.
Bên cạnh đó, Ủy ban bầu cử của các địa phương có trường TCCN, CĐ, ĐH đều tạo điều kiện thuận lợi nhất định cho nhà trường như việc bố trí thùng bỏ phiếu, nơi cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử và các tài liệu tuyên truyền cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử. Đồng thời, các trường TCCN, CĐ, ĐH đều có kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử. Đơn cử, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đều sẽ cử mỗi điểm 1-2 cán bộ bảo vệ các khu vực, các tổ bầu cử trong ngày bầu cử; thực hiện tốt điều phối giao thông đảm bảo việc trông giữ xe cho cử tri đến bầu cử, xem danh sách niêm yết cử tri…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)