Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Hướng tới bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp: Trăn trở với trường lớp và học sinh nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù là hiệu trưởng nhưng chị vẫn luôn quan tâm sâu sát với từng học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn
35 năm được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Thạnh, TP.HCM là bấy nhiêu năm chị đã sống và gắn bó ruột thịt với bà con khu phố ở đó. Để rồi, chị bất ngờ được Quận ủy và bà con lối xóm, đồng nghiệp tín nhiệm ra ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016. Chị là Nguyễn Thị Việt Tú, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh.
Khởi sắc cho một ngôi trường
Là thế hệ sinh ra ngay sau khi nước nhà vừa giải phóng, được sống trong cảnh hòa bình ấm no, hạnh phúc, chị cảm thấy mình cần cố gắng cống hiến hết mình cho xã hội để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của những thế hệ đi trước. Vì thế, trong mọi phong trào của khu phố hay đơn vị mình công tác, chị luôn là một trong những người tiên phong.
Ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, chị được phân công ngay về quận nhà để dạy học tại Trường THCS Lê Văn Tám. Vừa làm giáo viên (GV), vừa tiếp tục học liên thông lên ĐH nhưng năm nào chị cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là GV dạy giỏi của quận. Được sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo, chỉ sau 8 năm đi dạy, năm 2005 chị được điều động về làm Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Quới Tây. Và đến năm 2009, chị được giao nhiệm vụ về làm công tác quản lý ở Trường THCS Điện Biên, một ngôi trường nhỏ có cơ sở vật chất còn rất hạn chế nằm ngay giữa lòng Sài Gòn.
Chị Tú nhớ lại: “Ngay trước khi nhận nhiệm vụ ở Trường THCS Điện Biên, được lãnh đạo quận trao đổi là còn nhiều khó khăn phía trước, vì thế mình đã sẵn sàng lập kế hoạch để tác chiến đưa mái trường đi lên. Trước hết, không thể chỉ có một người làm được việc này mà cần có sự đồng thuận của tất cả mọi người, từ các cấp lãnh đạo, đến Ban giám hiệu, GV, học sinh (HS) và đặc biệt là phụ huynh (PH). Ngay khi về trường, mình liên tục tổ chức nhiều buổi họp Ban giám hiệu để vạch ra từng hướng đi cho nhà trường chứ không thể cùng một lúc có thể thay đổi mọi bộ phận được”. Khoảng hai năm trước những ai có dịp ghé thăm ngôi trường Điện Biên đều nhìn với ánh mắt e ngại vì cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn thì nay đã có những cái nhìn mới. Trước đây, nhà trường chưa có phòng máy vi tính thì nay phòng vi tính đã được trang bị và có đầy đủ máy tính để đáp ứng nhu cầu dạy và học cho thầy cô và học trò. Sân trường giờ đây cũng thoáng mát hơn do có hòn non bộ, có vòm mái lá xanh do PH tự nguyện góp sức, góp công làm để các em HS có một khoảng không gian mát mẻ lúc ra chơi. Không chỉ nâng cao về cơ sở vật chất, chất lượng dạy học của GV cũng được nâng cao. Ngay khi về trường, chị đã động viên GV toàn trường tham dự các cuộc thi GV dạy giỏi. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thao giảng tổ, nhóm và nhận thao giảng của quận để GV có kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau. Nhờ vậy, chất lượng HS trong những năm nay đang dần được cải thiện. Trước khi chị Tú về làm Hiệu trưởng, Trường THCS Điện Biên vừa chuyển từ trường bán công sang công lập nên nề nếp, trình độ học tập của HS còn rất hạn chế. Những năm sau này trường đã có HS giỏi cấp quận, cấp thành phố. Tỷ lệ HS khá, giỏi tăng từ 10 đến 20%, tỷ lệ HS yếu cũng bắt đầu giảm xuống.
Sẽ theo sát vấn đề dân sinh, giáo dục
Khi lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú, nhận được sự tin yêu, tín nhiệm của đồng nghiệp và bà con lối xóm là động lực lớn để chị cố gắng phấn đấu trở thành ứng cử viên của HĐND TP. Đối với chị, “Dù có trở thành đại biểu của nhân dân hay ở vị trí nào thì mình cũng cần cố gắng hết sức. Tuy nhiên, nếu là đại biểu của nhân dân thì tiếng nói của mình sẽ rộng hơn, không chỉ giúp được mọi người ở phạm vi hạn hẹp mà sẽ là đại diện để góp tiếng nói chung cho nhân dân lên các cấp thẩm quyền cao hơn để xây dựng một thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp”.
Là một người làm trong môi trường giáo dục, chị thấm nhuần được những trăn trở của ngành giáo dục hiện nay, vì thế kế hoạch đầu tiên của chị vẫn là làm thế nào để ngành giáo dục của thành phố ngày càng đi lên. Nếu làm đại biểu của nhân dân, chị sẽ nghiên cứu thêm những chính sách hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn bởi theo chị chính sách hỗ trợ giáo dục đã có nhưng vẫn còn hạn chế, HS cần được hỗ trợ thêm để việc đến trường của các em không còn là gánh lo âu của các bậc làm cha làm mẹ. Kế hoạch tiếp theo của chị là quan tâm đến vấn đề phát triển đạo đức, nhân cách của HS, muốn làm được điều này thì trước mắt chị đã xây dựng một số kế hoạch để kiến nghị các cấp nhằm xây dựng thêm một số chương trình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Chương trình này nhất thiết phải có sự phối hợp giữa ba “nhà”: nhà trường, gia đình và xã hội. Và nguyện vọng tiếp đến mà chị cho rằng đó là nguyện vọng chung của tất cả các em HS, các phụ huynh và GV: Đó là việc quan tâm xây dựng, sửa chữa những trường học có điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn như đề xuất xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng… để tạo điều kiện cho GV và HS có một môi trường giảng dạy và học tập thân thiện, tích cực.
Tất cả những kế hoạch này, theo chị, nếu chỉ một mình thực hiện thì khó có kết quả như mong muốn, nhưng nếu như được sự đồng tình ủng hộ của từng người dân thì chắc chắn sẽ thành công. Chính vì thế, chị không thể hứa sẽ làm gì vào ngày mai, ngày kia, chị chỉ có một tâm nguyện là bằng nhiệt huyết sẽ cố gắng hết mình để chuyển tải hết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của từng người dân lên các cấp thẩm quyền để góp phần xây dựng một thành phố vững mạnh hơn.
Bài, ảnh: Dương Bình

 

Từ căn phòng cho HS, đến các khoảng sân chơi đều đã có sự thay đổi, thế nhưng căn phòng chưa đầy 20m2 nằm gọn trong một góc nhỏ ở tầng hai của cô Hiệu trưởng thì vẫn không có gì thay đổi. Vẫn bộ bàn ghế xưa, vẫn chiếc quạt máy chạy rò rò suốt cả ngày thay vì chiếc máy điều hòa. Trong căn phòng nóng nực đó, ngày nào chị cũng chăm chỉ đến làm việc với những trăn trở làm sao cho HS nghèo của trường mình có được một chỗ học tương đối để mỗi ngày đến trường là một niềm vui của các em.

Bình luận (0)