Trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2022-2023, nhiều hình thức kiểm tra mới lạ đã được các trường THPT triển khai cho học sinh khối 10 nhằm đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018, tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập.
Việc đổi mới kiểm tra cho học sinh khối 10 hướng tới sự nhẹ nhàng trong học tập, kiểm tra đánh giá
Đề nhẹ nhàng
Đề kiểm tra môn ngữ văn khối 10, Trường THPT An Lạc (Q.Bình Tân) lần đầu tiên được ra theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Bên cạnh đó, ngữ liệu trong đề kiểm tra nằm hoàn toàn ngoài sách giáo khoa khiến học sinh vô cùng thích thú.
“Với thời gian làm bài 90 phút, đề nhìn qua thì có vẻ dài khi gồm 3 trang nhưng mức độ kiến thức thì ở mức cơ bản là chủ yếu, chỉ cần nắm chắc các kiến thức cơ bản trong quá trình học là có thể làm tốt. Ngữ liệu dù nằm ngoài sách giáo khoa nhưng cũng là văn bản cùng thể loại với văn bản chúng em đã được học qua trong chương trình. Lần đầu tiên em làm đề ngữ văn trắc nghiệm nên em cảm thấy vừa lạ, vừa hào hứng và cũng cảm thấy bớt áp lực hơn khi làm…” – Bùi Ngọc Phương Uyên (học sinh lớp 10, Trường THPT An Lạc) chia sẻ.
Nhiều học sinh lớp 10A1, Trường THPT Tenlơman (Q.1) khá bất ngờ khi thấy tên mình xuất hiện trong đề kiểm tra giữa học kỳ I môn vật lý, lồng ghép trong các bài toán với các chi tiết tình huống thực tế hàng ngày như đi bộ ra siêu thị mua đồ ăn cho bạn; lái xe đạp điện; trong sân trường, trên sân khấu…
Thầy Phạm Thư Tùng – giáo viên vật lý, Trường THPT Tenlơman chia sẻ, chương trình vật lý lớp 10 trong Chương trình GDPT 2018 khá nặng. Ngay bản thân giáo viên trong năm đầu triển khai đôi khi cũng vẫn còn lúng túng, bối rối, vì vậy việc đổi mới đề kiểm tra theo hướng đưa những câu chuyện thực tế của chính học sinh trong lớp vào đề với mong muốn tạo không khí thoải mái, nhẹ nhàng nhất cho học sinh trong học tập, giảm bớt áp lực cho các em khi làm bài kiểm tra.
“Học sinh khối 10 năm nay các em phải đối diện với nhiều khó khăn, đó không chỉ là thay đổi môi trường học tập, phương pháp học tập mà còn là thay đổi chương trình với những cách tiếp cận mới. Đề kiểm tra giữa học kỳ I nhẹ nhàng sẽ giúp các em làm bài tốt hơn, từ đó thấy môn học gần gũi với cuộc sống hàng ngày, học tập thoải mái hơn…” – thầy Phạm Thư Tùng nhìn nhận.
Mạnh dạn đổi mới tư duy của giáo viên
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 triển khai bậc THPT ở khối lớp 10. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng lần đầu tiên được áp dụng theo Thông tư 22 đối với khối lớp 10. Do vậy, trong kỳ kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I với khối 10, các trường THPT đã mạnh dạn, chủ động đổi mới cách thức ra đề, đa dạng các hình thức kiểm tra, tạo sự nhẹ nhàng trong học tập và thi cử cho học sinh.
“Nhà trường chỉ tổ chức kiểm tra tập trung ở một số môn như văn, toán, tiếng Anh, lịch sử và thêm 2 môn lựa chọn trong nhóm 4 môn lựa chọn tùy theo từng lớp, còn lại các môn học khác nhà trường giao quyền chủ động để thầy cô chủ động lựa chọn cách thức ra đề cũng như hình thức ra đề, thời gian kiểm tra cho học sinh từng lớp. Năm nay cũng là năm đầu tiên nhà trường đổi mới phương thức kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, điền khuyết kết hợp tự luận trong kỳ kiểm tra định kỳ…” – thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Năm học này, trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I đối với khối lớp 10, Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) tổ chức kiểm tra tập trung đối với các môn văn, toán, tiếng Anh, lịch sử cùng một số môn trong nhóm môn học lựa chọn. Đề thi ngoại trừ môn ngữ văn vẫn ra theo hình thức tự luận, các môn còn lại được ra theo hình thức trắc nghiệm.
“Thời gian làm bài kiểm tra không quá dài, trắc nghiệm thì 50 phút còn tự luận thì 60 phút. Do vậy, mức độ kiến thức trong đề được nhà trường ra rất nhẹ nhàng, đảm bảo ở mức độ kiến thức cơ bản nhất, giúp học sinh không cảm thấy áp lực khi học tập và làm bài kiểm tra” – đại diện nhà trường chia sẻ.
Khuyến khích nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học năm học 2022-2023. Theo đó, với các khối lớp 6, 7 và 10 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện đánh giá theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Thời gian kiểm tra đánh giá giữa kỳ I sẽ sau tuần thứ 8 của học kỳ I. Kiểm tra đánh giá cuối kỳ I: hoàn thành ngày 7-1-2023. Kiểm tra đánh giá giữa kỳ II sau tuần thứ 7 của học kỳ II. Kiểm tra đánh giá cuối kỳ II hoàn thành ngày 20-5-2023. Đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập đối với các môn học: Giáo dục thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục của địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, với mức đạt hoặc chưa đạt. Đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số với các môn học còn lại. Đánh giá định kỳ sẽ không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập, gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính, bài thực hành, dự án học tập. Công khai cho học sinh số lần, số điểm, hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Sở GD-ĐT khuyến khích nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện kiểm tra đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá các môn học phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Riêng các môn lịch sử, địa lý, lịch sử – đ?a ịa lý, tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho học sinh biểu đạt chính kiến của mình, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ một cách máy móc. |
Vị này cho biết thêm, đến thời điểm này dù Chương trình GDPT 2018 ở bậc lớp 10 đã triển khai được một nửa học kỳ thế nhưng vẫn không ít học sinh còn gặp khó khăn trong việc bắt nhịp chương trình. Đặc biệt là năm nay các em lại lựa chọn nhóm môn học lựa chọn để học. Vì thế, việc đổi mới đề kiểm tra theo hướng nhẹ nhàng sẽ là một yếu tố quan trọng giúp các em hứng thú hơn trong học tập, có động lực để phấn đấu trong học tập.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, đối với học sinh khối 10 đang theo học Chương trình GDPT 2018 thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ khác với trước đây. Kiểm tra, đánh giá học sinh không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức mà còn hướng tới sự tiến bộ, phát huy phẩm chất, năng lực người học. Việc đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá ở khối 10 tạo không khí nhẹ nhàng trong kiểm tra, cởi bỏ áp lực học tập cho học sinh…
Dù vậy, ông nhấn mạnh, kiểm tra định kỳ các bộ môn cần chuyển từ đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức… sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng đánh giá các năng lực như tư duy sáng tạo, giải quyết tình huống. Hạn chế tối đa các câu hỏi đơn thuần là kiểm tra kiến thức hoặc học thuộc lòng, tăng cường câu hỏi giải quyết tình huống thực tiễn.
Yến Khương
Bình luận (0)