Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Báo Giáo dục TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

 TS. Hồ Thiệu Hùng (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Tôi rất thích câu chuyện giáo dục trên báo

Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức cuộc thi Giải Trần Đại Nghĩa dành cho HS THCS và THPT trên địa bàn thành phố

Kỷ niệm về tờ báo ngày mới ra đời thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất đó là thời của Giám đốc Cao Minh Thì, tờ báo (lúc này là tập san nội bộ) đã ra mắt độc giả trong ngành. Tuy nội dung chỉ là bản tin của ngành nhưng ai cũng quý vì đây là tiếng nói duy nhất phần nào phản ánh được những hoạt động chính trong mỗi quý, mỗi tháng. Đến thời tôi làm Giám đốc, tờ báo vẫn được Ban Giám đốc ủng hộ và đề xuất thêm những nội dung và hướng đi mới. Sau này mặc dù bận công việc nhưng tôi vẫn tranh thủ viết một đôi bài cho báo và không bao giờ từ chối khi tòa soạn đặt bài.
Mới đó mà đã 20 năm trôi qua, bây giờ nghĩ lại mới thấy tờ báo ra đời thật sự có ý nghĩa. Cũng như các ngành khác, giáo dục cũng phải có tiếng nói riêng và chỉ có báo chí mới đảm nhiệm được sứ mạng và vai trò cao cả đó. Hơn ai hết, báo chí giáo dục phải là tiếng nói của thầy cô và học sinh. Có thể coi đây là một diễn đàn rộng để trao đổi về các hoạt động, thông tin giữa các đơn vị giáo dục, đội ngũ giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Nhưng điều quan trọng hơn là hiện nay giáo dục càng được xã hội quan tâm với những cách nhìn khác nhau. Thông qua tờ báo ngành, những quan điểm dù có trái chiều sẽ được định hướng đúng đắn hơn để thống nhất được mục đích giáo dục.
Thời gian qua tờ báo đã có những câu chuyện giáo dục và những cuộc thi về đề tài này rất hay, bổ ích. Tôi rất thích đọc các trang mục đó. Sức thuyết phục càng lớn hơn khi đó là người thật – việc thật có địa chỉ rõ ràng. Như trên tôi đã nói, lĩnh vực giáo dục vốn rất nhạy cảm vì luôn được xã hội quan tâm nên nói thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm rất khó. Nếu thiếu sự thông cảm thì không có được tiếng nói chung.
Rất đáng tiếc là thời gian gần đây tôi không đủ sức khỏe và thời gian để viết bài cho tờ báo ngành nhưng không phải không nhớ tới tờ báo đã một thời gắn bó với mình và những đồng nghiệp đã từng công tác trong ngành. Dù còn trẻ tuổi hơn so với các tờ báo khác nhưng Giáo dục TP.HCM lại có sức sống riêng để vươn lên mạnh mẽ kịp đón ánh nắng rạng rỡ của mặt trời. Chúc tờ báo của ngành GD-ĐT TP.HCM bước sang tuổi 20 nhiều sức sống và hứa hẹn một tương lai vững chãi.
 
Ông Trương Song Đức (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Từng bước đáp ứng nhu cầu của ngành và xã hội
Tôi làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM từ năm 1998 đến cuối năm 2004. Khi tôi từ UBND Q.1 về Sở GD-ĐT thì tờ báo còn giống như một tờ nội san của ngành – cung cấp tin tức nội bộ là chính với số lượng phát hành rất hạn chế. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi những người làm báo lúc đó đều là “tay ngang”. Nội dung vừa phải phục vụ ngành giáo dục vừa phải phục vụ xã hội là rất khó. Không những thế, cơ sở vật chất để anh em làm việc rất khó khăn, thiếu thốn. Kinh phí làm báo phải hoàn toàn tự lực, sở không có nguồn để cấp. Nói vậy không phải là Sở GD-ĐT không quan tâm đến báo. Sở đã cấp cho báo 2 căn nhà để làm việc. Ngoài ra, sở cũng tạo điều kiện để Tổng biên tập của báo tham dự giao ban hàng tuần để nắm bắt thông tin…
Đến nay, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của một tờ báo ngành, Báo Giáo dục TP.HCM đã từng bước đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục và một phần của xã hội. Tuy vậy, theo nhận xét của riêng cá nhân tôi, Báo Giáo dục TP.HCM vẫn chưa đi sâu vào quần chúng như những tờ báo khác. Ban biên tập và anh em phóng viên cần phải cố gắng hơn nữa, làm sao để mỗi giáo viên tự tìm mua báo để đọc. TP có hơn 70 ngàn giáo viên, nếu ai cũng tìm mua Báo Giáo dục TP.HCM thì đó là nguồn phát hành lớn giúp báo hoạt động và phát triển bền vững…
 
 
Thái Hùng (GV Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM): Nơi kết nối tri thức
Khi vào TP.HCM công tác, tôi mới biết đến tờ báo Giáo dục TP.HCM và từ đó trở thành bạn đọc thường xuyên. Khi mở tờ Giáo dục TP.HCM, hai trang đầu tiên mà tôi tìm đọc là Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường (trước đây), bởi theo tôi đó là nơi cung cấp những tri thức, những câu chuyện giáo dục có ý nghĩa thật sự quan trọng đối với bất kỳ giáo viên và học sinh nào. Tôi nghĩ nhiều bạn đọc cũng có suy nghĩ giống tôi bởi những trang báo này rất gần gũi và cần thiết đối với đối tượng giáo viên, học sinh.
Mục “Đổi mới phương pháp dạy học”trênBáo Giáo dục TP.HCM nói riêng và các tờ báo khác nói chung có tác dụng rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Bởi mục này đã góp tiếng nói chung trong việc đổi mới và là nhịp cầu mà ban giám hiệu, giáo viên rất quan tâm. Đây cũng là diễn đàn để các giáo viên góp tiếng nói của mình vào trang báo nhằm làm một “cuộc cách mạng” về phương pháp dạy học phù hợp với sự phát triển của thời đại, của xã hội. Những bài viết của người quản lí, của giáo viên… đã có cơ hội xuất hiện trên mặt báo, từ đó độc giả, nhất là những người đang làm việc trong ngành giáo dục có cái nhìn mới và dám từ bỏ cách dạy cũ để quyết tâm đổi mới phương pháp dạy học.
Theo tôi nên chăng, trang Nhịp cầu sư phạm có thể mở rộng thêm một trang nữa, bởi đây chính là nhịp cầu để ban giám hiệu, giáo viên được đọc nhiều bài viết có giá trị giáo dục sâu sắc. Từ những câu chuyện giáo dục ấy, người đọc sẽ suy ngẫm, cảm nhận và đồng thời gieo vào lòng độc giả lối sống đẹp, nhất là đối với những con người đang ngày đêm gắn bó trong sự nghiệp trồng người. Từ đó ngọn lửa yêu nghề và yêu trò lại được thắp sáng.
Báo chí nói chung và Báo Giáo dục TP.HCM nói riêng đã có rất nhiều tác động tích cực trong công tác tuyển sinh đầu cấp cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài việc hướng dẫn phương pháp làm bài, cách ôn tập và cả đáp án đề thi thì có nhiều bài báo còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với học sinh.
Đối với Báo Giáo dục TP.HCM, yếu tố giáo dục là điều quan trọng nhất (giống như giáo viên dạy môn học nào, ngoài kiến thức chuyên môn thì họ cần phải dạy cho học trò những bài học làm người). Và báo đã thực hiện tốt điều đó. Bên cạnh đó, báo cần có thêm mục về truyện ngắn, thơ, truyện cười để độc giả gửi gắm tâm tư tình cảm, góp phần vào “tiếng nói của văn nghệ”, ưu tiên những truyện ngắn, thơ, truyện cười viết về lĩnh vực giáo dục. Có thể tổ chức các cuộc thi sáng tác truyện, thơ… hay những bài viết cảm nhận trong lĩnh vực giáo dục.
Tôi biết đến Báo Giáo dục TP.HCM cũng đã khá lâu rồi, nhưng viết bài cộng tác với báo thì mới bắt đầu từ năm 2013. Mặc dù thời gian cộng tác chưa nhiều nhưng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong tôi. Mỗi bài viết được đăng là một niềm vui, bởi những bài viết ấy đã đưa đến cho độc giả thông tin nào đó, câu chuyện giáo dục nào đó hay thông điệp nào đó. Niềm vui và hạnh phúc là như thế.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Báo Giáo dục TP.HCM ra đời, tôi rất mong báo thường xuyên tổ chức các diễn đàn có ý nghĩa giáo dục thiết thực. Những diễn đàn vừa qua thật hay và ý nghĩa. Nó đã có tác động rất lớn trong môi trường sư phạm. Báo Giáo dục TP.HCM là nơi cung cấp tri thức và những bài học giáo dục quý báu đối với độc giả. Và tôi sẽ luôn là cộng tác viên thường xuyên của báo.
 LTS:  Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Báo Giáo dục TP.HCM (thời gian đầu là Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo), chúng tôi xin ghi lại ý kiến của lãnh đạo ngành giáo dục TP qua các thời kỳ cùng ý kiến của bạn đọc thân thiết.
 
 
 

Bình luận (0)