Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Yêu nghề, quên bệnh

Tạp Chí Giáo Dục

“Mang bệnh hiểm nghèo, nhưng tinh thần làm việc, tận tâm với nghề của thầy Cường là tấm gương để chúng tôi noi theo” – Đại tá, PGS – TS Phạm Tiến Đạt, Phó chủ nhiệm Khoa Cơ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) nói về Đại tá PGS – TS Đỗ Anh Cường.
Thầy Đỗ Anh Cường- Chủ nhiệm bộ môn Cơ học vật rắn, hướng dẫn môn học Cơ lý thuyết cho học viên đại đội 443, tiểu đoàn 4 (chiều 16/11) – Ảnh: Nguyễn Minh

Có mặt tại giảng đường của Học viện KTQS vào một buổi chiều giữa tháng 11 này, chúng tôi gặp thầy Cường đang say sưa giảng bài môn học Cơ lý thuyết cho các học viên đại đội 443, tiểu đoàn 4.

Giờ nghỉ giải lao, bằng giọng nói ấm áp truyền cảm và ánh mắt toát lên sự cương nghị, thầy nói về những dự định tương lai đang ấp ủ. Dường như căn bệnh ung thư dạ dày không làm cho người thầy mất đi sự tự tin vốn có.
Sinh ra trong một gia đình có bố từng là cán bộ quân đội, năm 1981, sau khi tốt nghiệp Khoa toán cơ học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng trai Đỗ Anh Cường nhập ngũ rồi nhận công tác tại Viện Kỹ thuật Công binh.
Năm 1989, Đỗ Anh Cường trở thành giảng viên của Học viện KTQS và gắn bó với nghề giáo từ đó đến nay.
Thiếu tướng Vũ Văn Luận – Chính ủy Học viện KTQS cho biết: Năm học vừa qua thầy Cường vẫn nằm trong tốp những giảng viên có cường độ giảng dạy cao, với 400 tiết đứng lớp và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh hoàn thành đồ án tốt nghiệp xuất sắc, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua theo các tiêu chí chung, không có bất kỳ sự ưu tiên nào.

Hai mươi năm đứng trên bục giảng, thầy chưa một lần lỡ bài giảng với học trò của mình, dù thi thoảng những cơn đau do căn bệnh dạ dày mãn tính vẫn hành hạ. Cuối năm 2008, một cơn đau dữ dội ập đến khi thầy đang truyền thụ cho học viên những kiến thức mới.

“Khi tỉnh dậy, tôi đã sốc khi bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh ung thư dạ dày, phải điều trị bằng hóa chất” – Thầy Cường nói.
Nằm trong viện điều trị nhưng bục giảng, không khí lớp học cùng những ánh mắt học trò chăm chú nghe giảng đã làm thầy như “hồi sinh” trở lại. Trong khoảng thời gian sáu tháng điều trị hóa chất, sức khỏe suy giảm, tóc bị rụng nhiều, nhưng thầy không bỏ buổi lên lớp nào.
Ban đầu, đồng nghiệp và gia đình đề nghị thầy ngừng dạy để dưỡng bệnh. Nhưng chính thầy đã động viên mọi người để họ yên tâm. “Người thân, đồng nghiệp và học trò chính là liều thuốc tốt nhất của tôi. Không có họ, có lẽ tôi đã gục ngã.
Tôi đang chạy đua với thời gian và sẽ còn làm công việc của mình cho đến khi nào sức khỏe cho phép. Trong thời gian điều trị, tôi đã hoàn thành giáo trình Dao động ngẫu nhiên, hiện đang được in để giảng dạy cho học viên sau đại học”.
Qua những đồng nghiệp của thầy Cường, chúng tôi được biết quãng đường từ nhà thầy đến Học viện dài 15 cây số, nhưng bất kể mưa bão hay nắng nóng, thầy vẫn miệt mài với những trang giáo án.
Những hôm mệt, thầy thuê xe ôm hay taxi đi dạy, khi sức khỏe khá hơn một chút thì thầy tự đi xe máy đến trường.
Trung sĩ Trần Đức Thắng (quê Ninh Bình), lớp trưởng lớp Xe – Máy công binh và hạ sĩ Ngô Ngọc Huy (quê Thừa Thiên – Huế), lớp trưởng lớp Ôtô 1 cho biết, các bạn đã học môn học của thầy qua một học kỳ, nhưng chưa một lần thấy thầy nặng lời với học trò. Nhiều lần trong giờ giảng, học viên thấy thầy bị đau, nhưng vẫn cố hoàn thành tiết học.
“Thầy là người rất nhiệt tình, gần gũi với học viên, tác phong đúng giờ, những vấn đề khó đều được thầy giải đáp tỉ mỉ. Phương pháp giảng dạy của thầy giúp chúng tôi dễ tiếp thu bài, điều này thể hiện ở kết quả bài thi của cả lớp” – Trung sĩ Thắng nói.
Theo Nguyễn Minh – Bích Hà/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)