Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Hướng tới US OPEN 2009: Roger Federer – Cuộc thập tự chinh lại bắt đầu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lẽ thường, khi con người đạt được mọi thứ trong cuộc sống, họ sẽ cảm thấy thỏa mãn với những thành công của mình. Nhưng với Roger Federer lại không như vậy, càng vươn lên tới đỉnh cao, anh lại càng quyết tâm giành thêm những danh hiệu, như để thách thức sức mạnh của bản thân. Và dù đã trở thành tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt thế giới, Federer vẫn đến với giải Grand Slam cuối cùng trong năm 2009, US Open, với một niềm tin chiến thắng…

Tại US Open 2009, Federer thi đấu với tư cách là ĐKVĐ của giải, giống như trong 5 năm liên tiếp anh vẫn ngự trị trên ngai vàng. Dù có xuống phong độ trong một vài thời điểm nhưng giải Mỹ mở rộng luôn là sân chơi ưa thích của Federer, ở đó anh có sự tự tin và cả sức mạnh so với các tay vợt khác. Điều đó được chứng minh ở US Open 2008, khi Federer đăng quang trong một năm thi đấu không thành công nhất trong sự nghiệp của mình. Chiến thắng trước Andy Murray 3-0 (6-2, 7-5, 6-2) đã đem về cho Federer danh hiệu Grand Slam thứ 13 trong sự nghiệp, đó cũng là tiền đề để Federer tiếp tục giành 2 Grand Slam trong năm nay là Roland Garros và Wimbledon.

Federer vô địch lần thứ 5 liên tiếp tại US Open 2008

Trong 5 năm từ 2004, lần lượt Lleyton Hewitt, Andre Agassi, Andy Roddick, Novak Djokovic, Andy Murray trở thành bại tướng của “tầu tốc hành”, Federer đã biến những sân đấu tại Mỹ như là sân nhà của mình và thực sự vẫn chưa tìm câu trả lời cho tay vợt nào có thể đánh bại được Federer. Chức vô địch tại Cincinnati Masters 2009 gần đây là một lời khẳng định Federer đang có sự chuẩn bị tốt nhất cho US Open và mọi đối thủ sẽ thật khó khăn mới có thể ngăn được bước tiến của anh.

Tại sao mặt sân đất cứng ở nước Mỹ lại là sân chơi ưa thích của Federer? Điều đó có thể lý giải bởi cách chơi của Federer rất phù hợp với điều kiện của mặt sân này. Những cú đánh thuận tay của Federer luôn tạo được độ khó nhất định kể cả trong trường hợp “tầu tốc hành” bị dồn vào thế phải chống đỡ khi đối phương nắm được thế chủ động. Hơn nữa, những pha giao bóng ở mặt sân đất cứng không thể có cơ hội ăn điểm như tại mặt sân cỏ (nơi mà các tay vợt tận dụng rất tốt lợi thế giao bóng), vì vậy những pha giao bóng dù không thể mạnh như các tay vợt khác nhưng rất hiểm hóc của Federer lại phát huy tác dụng rất nhiều thời điểm.

Năm nay đã bước vào tuổi 28 và đó không phải là độ tuổi cho thời kỳ đỉnh cao của quần vợt như những năm Federer thống trị thế giới với 237 tuần liên tiếp giữ ngôi số 1 thế giới. Nhưng không vì vậy mà Federer tỏ ra xuống sức, mỗi thời điểm anh lại có những chiến thuật hợp lý khác nhau để giành những chiến thắng quan trọng. Bởi vậy dù Federer có liên tục giành các danh hiệu trong những năm qua thì với NHM banh nỉ cũng không hề cảm thấy nhàm chán vì không chiến thắng nào là dễ dàng, mọi thứ đạt được đều phải trải qua những thời điểm khó khăn. Đó chính là nét đặc biệt mà Federer luôn là tay vợt được yêu thích nhất trên thế giới, anh không bao giờ nản chí trước những thử thách dành cho mình.

Vô địch tại Cincinnati Masters 2009 sẽ là động lực tinh thần cho Federer

Sau chức vô địch Roland Garros 2009 và thống nhất được toàn bộ các Grand Slam trên các mặt sân khác nhau, khi đó Federer đã san bằng kỷ lục 14 chức vô địch Grand Slam với một huyền thoại khác là Pete Sampras. “Tầu tốc hành” đã nói anh đã thực hiện được mọi ước mơ trong sự nghiệp thi đấu quần vợt chuyên nghiệp của mình và hoàn toàn có tinh thần thoải mái tại các giải đấu kế tiếp. Và ngay sau đó, Federer tiếp tục giành nốt chức vô địch tại Wimbledon và trở thành tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử. Nhưng chắc chắn, Federer sẽ không dừng lại tại đây, anh sẽ vẫn tiếp tục tiến tới những đỉnh cao trong thời gian tới và ngay trước mắt là giải Mỹ mở rộng sẽ khởi tranh vào ngày 31/08. Cuộc thập tự chinh của “tầu tốc hành” lại bắt đầu!

5 trận chung kết US Open của Federer:

Năm 2004: Federer – Lleyton Hewitt 6–0, 7–6(3), 6–0
Năm 2005: Federer – Andre Agassi 6–3, 2–6, 7–6(1), 6–1
Năm 2006: Federer – Andy Roddick 6–2, 4–6, 7–5, 6–1
Năm 2007: Federer – Novak Djokovic 7–6(4), 7–6(2), 6–4
Năm 2008: Federer – Andy Murray 6–2, 7–5, 6–2

PV (theo thethaovietnam)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)