Phú Thọ – đất tổ Hùng Vương, là địa bàn trung tâm của nước Văn Lang xưa – nơi các vua Hùng đóng đô và dựng nước, nơi có di tích lịch sử Đền Hùng cổ kính, linh thiêng. Hằng năm cứ đến ngày hội, Đền Hùng lại vinh dự và vui mừng được đón hàng triệu cháu con từ khắp nơi về làm Giỗ tổ. Thăm Đền Hùng, viếng mộ tổ đã trở thành tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đó là dấu ấn lịch sử, nơi hội tụ cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Cúng Giỗ tổ Hùng Vương trang trọng tại Đền Hùng
Đền Hùng – bức thông điệp vùng văn hóa dân tộc
Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia. Đây là nơi thờ tự các vua Hùng có công dựng nước – tổ tiên chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, mỗi người dân Việt Nam luôn nhớ về ngày Giỗ tổ qua câu ca được truyền tụng: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca ấy như tiếng chim gọi đàn, khơi dậy trong tâm khảm mỗi người Việt Nam những tình cảm thân thương và sâu sắc nhất. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, là nét đẹp đã trở thành truyền thống đạo lý từ ngàn đời nay của dân tộc ta.
Khu vực Đền Hùng là khu di tích tưởng niệm tổ tiên được hình thành sớm trong lịch sử dân tộc. Căn cứ theo nhiều tư liệu khảo cổ, lịch sử, dân tộc, địa lý… Đền Hùng được hình thành từ thuở xa xưa, buổi đương thời các vua Hùng đã đến đây tiến hành tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thời cổ: thờ thần mặt trời, thần núi, thần lửa, thờ vật tổ… Khi các vua Hùng qua đời, con cháu lập đền thờ Quốc tổ Hùng Vương. Từ ý nghĩa lịch sử đó, Đền Hùng đã trở thành đền thờ tổ, không phải tổ riêng của một dòng họ, một làng, một gia đình mà là tổ của cả nước, cả dân tộc, cả cộng đồng Việt Nam. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng thực sự trở thành một bức tranh toàn cảnh về văn hóa tâm linh trong xã hội Việt Nam đương đại. Đó là nét đẹp nhân văn trong đời sống người Việt. Tìm về cội nguồn để biết ơn các vị thủy tổ đã có công khai sáng, mở nước cho đời con cháu mai sau. Có thể nói, trên thế giới hiếm có dân tộc nào trong suốt mấy ngàn năm đã cùng hướng về một ông tổ chung là vua Hùng. Hàng năm, hàng chục triệu người trên khắp đất nước vẫn hành hương về cội nguồn, về quê cha đất tổ dâng hương tưởng niệm vua Hùng, thăm viếng kì thú núi sông, nhận biết tôn miếu đền đài núi Lĩnh – nơi cội nguồn của tổ tiên nòi giống, nơi mà “núi này, sông này vua ta đấy nghiệp” – vì một nhu cầu tâm linh sâu xa mà thiết yếu. Bởi lẽ họ xuất phát từ ý niệm thiêng liêng hai tiếng đồng bào cùng một bọc. Sự thiêng liêng ấy đã tạo nên tình cảm nhớ về nguồn cội của người Việt khi phải tha hương góc bể chân trời “chim có tổ người có tông ”, một tình cảm gắn kết “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
Miền đất tổ với ba di sản văn hóa thế giới
Theo dòng lịch sử, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã được tổ chức dưới hình thức sơ khai nhất cũng cách nay hơn 2.000 năm. Bắt đầu từ An Dương Vương – Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa đập”. Đến thời Hồng Đức Hậu Lê, năm 1470, Trực học sĩ Nguyễn Cố soạn “Ngọc phả cổ truyền về mười tám chi đời Thánh Vương triều Hùng” thì vị thế Đền Hùng thờ các vua Hùng được xác lập vững vàng trên nền tảng pháp lý của Nhà nước quân chủ phong kiến Việt Nam.
Tác giả tại Đền Hùng
Dưới triều Nguyễn, năm 1917, ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng pháp luật.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, vùng đất này có hàng ngàn di sản, di tích lịch sử, văn hóa. Nhiều di tích, lễ hội được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đặc biệt, nơi đây có 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại: Di sản văn hóa phi vật thể hát ca trù của người Việt năm 2009 (Phú Thọ là một trong 15 tỉnh được ghi danh); Hát xoan Phú Thọ được công nhận tháng 11-2011 là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12-2012.
Ca trù có nhiều tên gọi, theo từng địa phương. Có nơi gọi là hát cửa đình, hát ả đào, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nha trò, hát ca công… Ca trù là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý của người Việt.
Theo đánh giá của UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã nêu rõ giá trị của di sản là sự thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, đáp ứng được 5 tiêu chí theo yêu cầu của công ước quốc tế 2003 về di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, tiêu chí quan trọng nhất là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Thờ cúng Hùng Vương còn được đánh giá cao về mặt thực hành tốt nhất trong đời sống xã hội, thể hiện việc thực hành nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. |
Hát xoan Phú Thọ còn gọi là lối hát thờ thần, thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ. Theo đánh giá của các chuyên gia, hát xoan đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là: tính giá trị, tính cộng đồng, trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này sang đời khác, sức sống mạnh mẽ của hát xoan cũng như cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại. Theo các tài liệu ghi lại, hát xoan Phú Thọ đã ra đời từ thời các vua Hùng dựng nước, tồn tại cho đến ngày nay là di sản văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân nông nghiệp vùng đất tổ.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là niềm tự hào vô hạn của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)