Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hụt hẫng khi nghỉ hưu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cán bộ hưu trí nên có những cuộc gặp gỡ giao lưu thường xuyên với nhau
Nghỉ hưu được coi là một trang mới của cuộc đời, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng thì có thể gặp những sự cố bất trắc ngoài ý muốn, nhất là về mặt sức khỏe tinh thần.
Biết trước mà vẫn buồn
Là cán bộ của Phòng GD-ĐT quận B. ông Nguyễn Văn T. ao ước đến tuổi nghỉ hưu để có thời gian đọc sách, tập thể dục. Thế nhưng, khi đối diện với thực tế ông T. mới thấy mọi việc không như mình tưởng: “Thời gian đầu tuy không còn áp lực công việc như trước đây, nhưng đọc sách và tập thể dục xong tôi cũng không biết làm gì cả. Đôi khi ngồi buồn cũng nhớ lại công việc và nhớ thời gian trước đây mình đi làm nên cảm thấy hụt hẫng thật sự”. Theo ông T. đến khi nghỉ hưu mới thấy thời gian dài vô hạn, nhiều lúc không biết làm gì để “giết” bớt thời gian trước đây rất quý giá. Tuy không quyền cao chức trọng nhưng trước đây ông cũng có nhiều mối quan hệ trong công việc. Đến bây giờ, những mối quan hệ đó dần dần thưa vắng bớt. Đây cũng là một trong nhiều lý do làm cho những người nghỉ hưu như ông cảm thấy buồn và cô đơn hơn.
Bà Lê Thị L.H – nguyên là Phó hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Chỉ sau vài tháng nghỉ hưu, nếp sinh hoạt và tính tình cũng thay đổi hẳn. Nếu trước đây bà cười nói vui vẻ, cởi mở với mọi người thì bây giờ bà “co mình” lại ít tiếp xúc hơn. Ngay năm đầu tiên trường cũ mời về dự lễ bà cũng từ chối, từ đó trở đi ít khi thấy bà trở lại nơi trước đây đã từng một thời gắn bó. Biết bà là cán bộ trong ngành giáo dục nên ban điều hành khu phố và cả UBND phường mời tham gia các hoạt động xã hội khác nhưng bà từ chối với lý do “sức khỏe bây giờ đã yếu”.
Bà Nguyễn Thị Thảo – Hội Cựu giáo chức TP.HCM nhớ lại: “Cũng như một số bạn bè khác, trước khi nghỉ hưu tôi nghĩ là không có gì để buồn, thế nhưng thực tế thì hoàn toàn khác hẳn. Môi trường sống khác trước đã làm thay đổi mọi nếp sinh hoạt. Biết trước mà vẫn buồn. Ai nói không buồn là không đúng”. Theo bà Thảo, sau khi nghỉ hưu, tất cả không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng “dây chuyền” đến những người thân trong gia đình. Có người khi nghỉ hưu vẫn được làm việc để có thêm thu nhập cũng như tìm niềm vui mới, nhưng theo bà Thảo không phải ai cũng có được may mắn đó.
Chữa bệnh bằng tâm lý
BS. Bùi Thanh Thảo khẳng định: “Đối với người nghỉ hưu, phương pháp chủ yếu là chữa bệnh bằng tâm lý giúp người bệnh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, nhất là khi có những biến cố lớn trong cuộc đời như giai đoạn bắt đầu nghỉ hưu”.
Ông Hồ Xuân Nguyên – Hội Cựu giáo chức TP.HCM “tổng kết”: “So với dân thường thì các vị quan chức hụt hẫng hơn nhiều khi nghỉ hưu nếu không nói là cô độc vì ít người ghé thăm, điều mà trước đây chưa thường gặp”. Theo phân tích của ông Nguyên, thời gian đương chức có người thăm hỏi không xuất phát từ quan hệ tình cảm mà từ quan hệ vật chất, quan hệ trên mức tình cảm. Đến khi hết quyền lực thì mối quan hệ đó tất yếu sẽ bị lung lay. Về khách quan, mặc dù sếp nghỉ hưu nhưng họ vẫn phải lo làm việc và có thêm các “đối tác” khác nên quan hệ cũ bị đẩy lùi nhường chỗ cho quan hệ mới thiết thực hơn. Đó là quy luật nhưng các  “tướng về hưu” vẫn thấy chạnh lòng và tủi thân tạo nên sự mặc cảm. Chính những suy nghĩ đó đã làm cho “người trong cuộc” trăn trở hơn và không phải câu hỏi nào cũng có câu trả lời thỏa đáng nên họ dễ dàng bế tắc về tư tưởng, hoang mang trong suy nghĩ. BS. Bùi Thanh Thảo – Trưởng phòng khám (Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh, TP.HCM) trao đổi: “Thời gian đầu của người về hưu thường mang tâm lý hụt hẫng, nhiều suy nghĩ và lo lắng. Họ có thể ít nói và “ngại” tiếp xúc với người xung quanh hơn, nếu nặng thì dễ bị trầm cảm, cả stress”. 
Tuy nhiên theo bà Thảo, buồn chán và tâm lý hụt hẫng khi được hưởng chữ “nhàn” là có thật nhưng không phải kéo dài. Sau một năm hoặc lâu hơn nữa mới cân bằng lại tinh thần khi giai đoạn “giao thời” đã qua đi. Trở lại đúng với quỹ đạo vận hành thì con người sẽ lấy lại được niềm vui mà trước đó đã mất. Vì thế sau hai năm nghỉ hưu, bà L.H đã có một cuộc sống vui tươi hơn khi tham gia vào CLB Thơ ca, Hội Chữ thập đỏ của khu phố. Ông Nguyên cũng khẳng định, khi về hưu không phải ai cũng quay lưng với mình. Vẫn có người đến thăm sếp cũ bằng tấm lòng “tình thương mến thương”, quý trọng nhau bằng chữ “nghĩa”. Đây là điều rất đáng quý trong cách cư xử “có trước có sau” không có vụ lợi xen vào làm cho “người nghỉ hưu” càng thêm mát lòng mát dạ và thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Để tránh bệnh tật khi về hưu
BS. Trần Duy Tâm – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết, phụ nữ đến tuổi về hưu, nội tiết tố suy giảm cùng lúc với những diễn biến âm thầm trong cơ thể khiến cho họ phải đối mặt với các bệnh: Tim mạch, loãng xương, tiểu đường… Còn đàn ông khi về hưu, ngoài hói đầu, bụng phệ, cơ bắp mềm nhão còn bị huyết áp, xương khớp… Để tránh bệnh tật cũng như tổn thương về tâm lý, một số nước có chương trình tiền về hưu, nghĩa là bàn giao từ từ để không bị hụt hẫng. Đặc biệt, mỗi người chuẩn bị cho mình một chương trình, một kế hoạch sau khi về hưu gồm: Thời gian, kinh tế, tham gia các hoạt động ngoại khóa để thay thế mối quan hệ đồng nghiệp bằng nhóm bạn. Có thể gợi ý một số chương trình như: Du lịch, làm từ thiện, chăm sóc con cháu, nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật, tham gia câu lạc bộ…
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)