Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Hụt hẫng vì… du học

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh những cú shock về ngôn ngữ, ẩm thực, teen Việt sang nước ngoài du học còn vấp phải “hàng lô đá tảng” khác.
Nếu nghĩ người bản xứ luôn thân thiệt là bạn sai lầm rồi đấy!
Không chỉ đơn giản là đáp một chuyến bay dài đến một vùng đất mới và gặp những người hoàn toàn xa lạ, du học đã khiến không ít teen Việt phải “ứa nước mắt” bởi nhiều “nghịch cảnh”.
Không phải người bản xứ nào cũng thân thiện
Nếu nghĩ có thể dễ bắt chuyện dễ dàng với những người bạn “mắt xanh, da trắng” thì bạn đã nhầm rồi đấy. Vũ Quang, từng có thâm niên 3 năm học tập tại Melboure, Úc bộc bạch: “Một tuần sau ngày đầu tiên đến lớp, mình có chủ động làm quen với một nàng ngồi dãy kế bên. Khi mình hỏi tên bạn ấy, thay vì trả lời, cô nàng lại viết ra giấy và chẳng buồn hỏi lại câu nào. Mình hỏi tiếp bạn ấy cũng chỉ cười trừ mà thôi. Ban đầu mình cứ nghĩ chắc do khả năng nói tiếng Anh kém qua nhưng sau này mới biết người ta dễ nghĩ mình là “có ý đồ” khi chủ động làm quen với người khác giới. Họ cũng thích chơi với bạn bè bản xứ hơn là người từ nước khác đến”.
Trường hợp của Kim Trang (du học sinh tại Anh) thì hơi khác một chút: “Mình du học theo hình thức home-stay. Ban đầu, mọi thứ khá suôn sẻ nhưng về sau, gia đình người bản xứ tỏ thái độ rất khó chịu. Họ bảo mình là không nên ngồi máy tính nhiều và tắm lâu vì sợ tốn điện. Hôm nào mà được nghỉ thì thể nào cũng bị họ sai vặt đủ kiểu. Nhớ nhà, tủi thân, nên thời gian đầu, mình khóc nhiều lắm. Sau đó mình chuyển đến ở với một cô bạn người Châu Á cùng trường, thì chuyện mới đỡ hơn”. Theo Trang thì phải mất ít nhất từ 4-6 tháng, du học sinh mới thoát khỏi tình trạng “ngồi đồng trước laptop hàng tiếng đồng hồ chỉ để chat với bạn bè và người thân ở Việt Nam”.
Nỗi ám ảnh mang tên thời tiết
Với nhiều du học sinh Việt, ám ảnh lớn nhất không phải là nơi ăn chốn ở mà là vấn đề thời tiết. Quen với khí hậu nóng quanh năm ở Sài Gòn nên khi bước mùa đông nơi xứ người, Thiên Kim (du học sinh tại Phần Lan) đã không khỏi sốc: “Vì thuộc khu vực Bắc Âu nên mùa đông ở Phần Lan nhiệt độ thường xuyên dưới 100C. Thời tiết tuy lạnh là thế nhưng tụi mình vẫn phải đến trường, thậm chí vận động ngoài trời. Không quen với kiểu thời tiết như vậy, nên nhiều buổi mình lên lớp trong trại thái mũi sụt sùi, tay cứng đờ, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Có hôm cảm nặng, mình uống thuốc kháng sinh nhưng cơ thể bị dị ứng, phải nghỉ học suốt hai tuần liền”.
Hay như trường hợp của cô nàng Diệu An (du học sinh tại Pháp): “Lúc ở Việt Nam, mình rất thích tuyết và mong được nhìn thấy tuyết. Sang Pháp, mùa đông rất khắc nghiệt, tuyết phủ đầy cả lối đi nên chẳng những sức khỏe bị ảnh hưởng mà việc đi lại cũng rất khó khăn. Lắm hôm mạng bị cắt, điện thoại không gọi được, mình chỉ biết nằm dài trên giường. Chán ơi là chán”.
Điều này giải thích vì sao mùa đông nơi xứ người được du hoc sinh Việt coi là khoảng thời gian “sợ” nhất trong năm.
Thời tiết lạnh giá cũng là một trở ngại lớn với du học sinh
Làm thêm cực vất vả
Không phải du học sinh nào cũng xuất thân từ những gia đình giàu có, khá giả. Chính vì vậy với mức sống cao, giá cả đắt đỏ ở xứ người thì ngoài giờ lên lớp, du học sinh Việt còn phải cật lực “cày” part-time. Có 2 cách làm thêm: Một là đi làm “danh chính ngôn thuận” và đi làm chui. Hầu hết teen Việt chọn phương án thứ hai bởi cách thứ nhất tuy an toàn nhưng lại rất nhiêu khê về mặt giấy tờ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải gánh lên mình nhiều rủi ro tiềm ẩn. Nhẹ thì bị bắt làm đủ thứ việc, nặng thì chủ quỵt luôn tiền công.
Mạnh Phương (du học sinh tại Nhật) tâm sự: “Sang đây được vài tháng, mình có xin chân phục vụ quầy bàn tại một cửa hàng ăn. Quán rất đông khách nên hầu như hôm nào mình cũng phải dậy từ sớm. Nếu chậm 5 phút và làm sai điều gì đó, mình sẽ bị trừ lương thẳng tay. Đó là chưa kể còn bị ông chủ bắt  làm những thứ rất trời ơi khác như đi giao hàng cho khách dù mình có thuộc đường sá ở Nhật gì đâu. Công việc vất vả nên nhiều khi về đến phòng trọ, mình đã sà lên giường ngủ luôn”.
Hệ quả kéo theo là điểm phẩy của không ít du học sinh bị “rớt hạng” thê thảm. Nhiều trường hợp thuộc diện học bổng, nhưng kết quả học tập kém do bận làm thêm, nên bị “out” khỏi chương trình và trục xuất về nước trong ân hận, tiếc nuối.
Nhiều du học sinh do mải làm thêm để trả phí sinh hoạt mà học hành lơ là
Teen nào còn ôm giấc mộng du học màu hồng thì hãy tỉnh mộng và chuẩn bị tinh thần đi nhé! Những khó khăn sẽ dễ vượt qua hơn khi bạn đã "lên dây cót" sẵn sàng.
Theo Đất Việt


Bình luận (0)