Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hụt hơi sitcom Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Phim sitcom (situation comedy – hài tình huống) vẫn phủ sóng trên nhiều kênh truyền hình cũng như mạng xã hội. Thế nhưng, đã khá lâu rồi không có bộ phim nào đúng nghĩa về mặt thể loại và tạo dấu ấn với khán giả.    

Sitcom  Tạp hóa Năm Châu quy tụ dàn diễn viên quen thuộc

Sitcom Tạp hóa Năm Châu quy tụ dàn diễn viên quen thuộc

Phủ sóng tràn lan

Vừa lên sóng cách đây không lâu trên kênh K+, Bếp trưởng tới đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Văn Công Viễn – người được mệnh danh là “phù thủy sitcom”. Đây là một trong số ít phim hiện nay khai thác về đề tài ẩm thực cũng như nghề làm bếp.

Bếp trưởng tới chỉ là một trong vô số sitcom đang lên sóng, đặc biệt là trên các kênh của HTV, thể loại này đang phủ sóng dày đặc. Có thể kể đến như trên kênh HTV7 có Cha anh mẹ em, Tạp hóa Năm Châu, Biệt đội siêu hài, Những cô nàng ngổ ngáo, Cơm nhà; trên kênh HTV9 có Nơi yêu thương bắt đầu, Về phía cầu vồng, Sống ảo, Ngôi sao khoai tây

Với các kênh truyền hình khác, như VTV3 có Góc phố muôn màu đã phát sóng đến hàng trăm tập, VTVcab đang chuẩn bị phát Quán ăn hạnh phúc; từ ngày 12-11, trên Today TV sẽ phát sóng Chìa khóa tình thân.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự nở rộ của sitcom trên các mạng xã hội, gồm cả các nền tảng trực tuyến như DANET hay YouTube. Mùa 1 của dự án Nhỏ to chốn văn phòng vừa kết thúc cách đây không lâu nhưng nhà sản xuất của chương trình là BHD đã tiết lộ việc phim sẽ được triển khai thêm nhiều mùa và được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Trên YouTube hiện đang có Tiệm tóc bất ổn của diễn viên Duy Khánh, Dịch vụ zụ zịt của diễn viên Nam Thư và Đi làm có gì vui? của diễn viên Thu Trang.

Nguyên nhân sitcom nở rộ được nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương lý giải: “Làm phim sitcom đầu tư ít, giá rẻ ở tất cả mọi khâu nên nhà sản xuất bớt lo chuyện lỗ nặng, nhất là sau dịch bệnh, thể loại này được đánh giá là lựa chọn đầu tư an toàn so với làm phim thường”. Xét ở góc độ nào đó, sitcom đang đáp ứng nhu cầu giải trí nhanh, đơn giản của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ. Đó là lý do nhiều sitcom vẫn nhận được phản hồi tích cực và sự quan tâm, bình luận từ người xem. 

Chất lượng kịch bản

Tuy có số lượng lớn nhưng có thể thấy, hiện nay các đề tài sitcom thiếu đa dạng, chủ yếu vẫn tập trung vào các câu chuyện công sở, đời sống của giới trẻ, tình cảm gia đình, tình làng xóm… Bản chất của sitcom là hài tình huống, nhưng đa phần các phim hiện nay yếu tố này chưa được đầu tư tương xứng. Để hút khán giả, các sitcom đều đang dựa vào khả năng tấu hài và chọc cười của các diễn viên, vốn là những gương mặt nghệ sĩ hài quen thuộc có lượng fan hùng hậu. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, lối diễn xuất của họ mang tính chất thậm xưng, nặng về sân khấu và lạm dụng chiêu trò.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện BHD, cho rằng, bản chất của sitcom là hài tình huống, tức là mỗi tập phim sẽ đưa ra các tình huống để nhân vật phản ứng. Do đó, khâu xây dựng kịch bản rất cần sự phối hợp nhuần nhuyễn với diễn viên để mỗi tình huống, lời thoại tự nhiên nhất.  

Thế nhưng, biên kịch lại chính là điểm yếu của sitcom Việt hiện nay. Đạo diễn Văn Công Viễn nhận định, kịch bản sitcom hiện rất yếu về khâu xây dựng nhân vật cũng như tạo ra các tình huống hay, hấp dẫn. Chưa kể, quá trình chuẩn bị, tập luyện quá ít dẫn đến chất lượng khi quay không đạt, không đủ sự duyên dáng và kết cấu phim nhạt nhòa.

“Sitcom trước giờ vẫn chưa đủ điều kiện từ kịch bản đến phim trường để thực hiện đúng chuẩn. Quan trọng nhất là hiện có ít nhà sản xuất hiểu đúng về sitcom, dẫn đến xuất hiện nhiều sản phẩm hời hợt, làm quá nhanh nên lượng thì có nhưng chất thì…”, anh bỏ ngỏ câu trả lời về chất lượng.

Nhà biên kịch Thanh Hương nhận định, sitcom hiện nay phần lớn nghiêng về hài nhảm, chọc cười khiên cưỡng, đôi khi lố và tục, gây phản cảm cho khán giả. Các sản phẩm này chủ yếu đến từ khâu kịch bản quá kém mà tác giả của chúng thường là những người chưa thể gọi là nhà biên kịch.

“Kịch bản sitcom đúng nghĩa không dễ viết, cần có tay nghề cứng. Nó ngắn, gọn, súc tích nhưng vẫn phải làm nhiệm vụ mang thông điệp nào đó bằng các phản ánh, biện luận, lý luận, mà đây lại là công việc chủ chốt của nhà biên kịch”, biên kịch Thanh Hương cho biết. 

Cũng vì lẽ đó, theo đánh giá chung của những người trong nghề, phim sitcom Việt sau một thời gian có lượng rating (đánh giá mức độ quan tâm của khán giả) cao nay đã chững lại, lượng người xem trên các trang mạng xã hội, các nền tảng giảm mạnh do thiếu đi những tác phẩm tạo dấu ấn. Sitcom chiếu trên truyền hình cũng chịu chung số phận khi khán giả đã có dấu hiệu chán với thể loại này.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)