Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các đài truyền hình, tiếng nói nhân dân và các cơ quan báo chí TP phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha); các biện pháp cai nghiện thuốc lá; triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5-2021, tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 đến 31-5-2021.
Hút thuốc lá có nguy cơ đối với nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các địa điểm cấm hút thuốc lá như nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, trong nhà hàng, bến tàu, bến xe, trên phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm công cộng trong nhà được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tuyên truyền trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá trong việc tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc. Đồng thời tuyên truyền trách nhiệm của người hút thuốc; tuyên truyền về quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá, quyền yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; tuyên truyền các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá được biết đến là một yếu tố nguy cơ đối với nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền Covid – 19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền Covid – 19 trong cộng đồng. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên quan giữa thuốc lá và Covid 19.
Minh Phương
Bình luận (0)