Từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh lớn, những bộ phim làm về chủ đề người lao động nghèo đã thu được nhiều cảm tình của người xem vì cảm xúc phim mang lại gần gũi với số đông, hướng đến khát vọng sống lạc quan. Khán giả cũng được đổi “món” khi không phải coi hoài cảnh nhà lầu xe hơi, nhân vật ăn diện thời thượng.
Thô mà thật
Sau phim tết Chị chị em em 2, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trở lại sở trường làm phim về người nghèo với Con Nhót mót chồng (khởi chiếu từ 28/4). Cũng như Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (gọi tắt là Hotboy nổi loạn); Khi con là nhà; Bố già; Vũ Ngọc Đãng một lần nữa cho thấy anh có duyên khi kể chuyện về những người lao động bình dân.
Sự lạc quan, luôn hướng tới thiện lương của các nhân vật là điểm cộng của những phim làm về người lao động bình dân, người nghèo. Ảnh: Phim Cuộc đời vẫn đẹp sao (trên) và Mẹ rơm
Thế giới người nghèo trong Con Nhót mót chồng được anh miêu tả chân thật đến trần trụi, huyên náo nhưng cũng sâu lắng. Các nhân vật toàn thành phần bất hảo: trộm cắp, nghiện rượu, mê số đề, môi giới mại dâm… Họ ăn mặc lam lũ, ở trong những ngôi nhà tối tăm cũ kỹ, mở miệng ra là chửi rủa, động tay động chân, sống bất cần đời. Trên các diễn đàn về phim, không ít khán giả bày tỏ sự đồng cảm vì ngoài đời họ cũng sống trong những xóm lao động nghèo, cũng lớn lên trong hoàn cảnh thiếu tình cảm gia đình, có cha suốt ngày say xỉn như Nhót. Đưa người lao động lên phim và lấy được sự đồng cảm của người xem cũng là yếu tố làm nên thành công của 2 phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt: Bố già, Nhà bà Nữ. Cảm tình của người xem dành cho phim độc lập Ròm và Đêm tối rực rỡ cũng xuất phát từ việc đạo diễn khắc họa chân thật hình ảnh người lao động bình dân, người nghèo.
Trong xu thế dòng phim thương mại chiếu rạp, phim truyền hình thường chạy theo bối cảnh sang trọng, các nhân vật là giám đốc, chủ tịch giàu có hay công tử, tiểu thư ăn chơi thì những bộ phim làm về tầng lớp lao động bình dân, đặc biệt là những người nghèo có một sức hút riêng. Sự lôi cuốn đó không chỉ từ bối cảnh khác lạ mà còn từ những nhân vật thú vị, cuộc sống truân chuyên. Chẳng hạn trong Cuộc đời vẫn đẹp sao, nhân vật chính Luyến là một phụ nữ góa chồng hành nghề bốc vác, đằng đẵng làm lụng nuôi mẹ chồng và trả nợ thay chồng rồi bỗng phát hiện chồng mình vẫn sống, lại còn có vợ con.
Chân dung các nhân vật trong Mẹ rơm, Cát đỏ cũng rất “dị”. Ở Mẹ rơm là gã gù, cô gái khờ, kẻ vũ phu nát rượu, bà già mù… Trong Cát đỏ là cô gái nghèo hoang dã, chàng cao bồi chăn cừu, gã nhạc sĩ lang thang phóng túng, người đàn bà chăn bò bị câm. Sự mới mẻ trong cách khai thác bối cảnh, nhân vật cùng sự gần gũi trong tình huống, lời thoại là những điểm khiến phim được khán giả yêu thích.
Góc nhìn nhân văn và ấm áp
Điểm chung ở các nhân vật đều là những con người ít nhiều có phần “phản diện”, do bị cái đói cái nghèo bủa vây. Họ có đủ các thói hư tật xấu nhưng sâu thẳm bên trong mỗi người là khát khao thay đổi số phận, vươn lên để sống tốt hơn. Quan trọng nhất, người xem chưa bao giờ thấy các nhân vật từ bỏ sự thiện lương trong con người mình.
Phim Con Nhót mót chồng
Trong Con Nhót mót chồng, ông Xỉn tuy nát rượu, hay chửi bới, chôm tiền của con nhưng khi thấy con đau khổ vì bệnh tật, khó lấy chồng, ông cương quyết bỏ rượu, tu tỉnh làm ăn. Trong Cuộc đời vẫn đẹp sao, Lưu và Luyến khinh nhau ra mặt nhưng khi 1 trong 2 người gặp chuyện, người kia luôn chìa tay giúp. Mô gù trong Mẹ rơm dù khuyết tật, nghèo khó nhưng sẵn sàng cưu mang một đứa trẻ bị bỏ rơi.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bày tỏ sự hào hứng với việc làm những bộ phim về người lao động nghèo: “Tôi quan niệm làm phim về những người có hoàn cảnh khó khăn quan trọng nhất là phải toát lên được không khí đời sống tinh thần của họ và chọn góc nhìn nhân văn, ấm áp, vui vẻ chứ không khai thác sự nặng nề, u tối. Thời còn là sinh viên, tôi có mười mấy năm sống gần những người nghèo nên hiểu tâm lý họ và thích làm phim về họ vì xóm nghèo có nhiều câu chuyện rất thú vị. Làm dòng phim này có nhiều thuận lợi, nhất là về bối cảnh quay. Quý nhất là người dân lao động luôn nhiệt tình giúp đỡ đoàn phim. Một thuận lợi nữa là phần thoại không cần cầu kỳ trau chuốt câu chữ, ý tứ vì người nghèo thường nghĩ sao nói vậy”.
Có thể nói những bộ phim về tầng lớp lao động bình dân đã giúp khán giả có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những người còn thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Hơn thế, người xem còn nhận được sự lạc quan, niềm tin yêu vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống lan tỏa từ nhân vật.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)