Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hút vốn ngoại vào cây lúa

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến lược xây dựng và phát triển chuỗi giá trị lúa gạo của Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đang trở thành mô hình kiểu mẫu của ngành nông nghiệp, thu hút được vốn ngoại và sản phẩm xâm nhập vào các thị trường khó tính.

Mô hình Cánh đồng lớn của AGPPS được nhân rộng – Ảnh: C.T.V

AGPPS chính thức triển khai mô hình Cánh đồng mẫu lớn từ ngày 10.10.2011 tại Vĩnh Bình (Châu Phú, An Giang). Tính đến thời điểm này, vùng nguyên liệu của công ty đã trải khắp các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích lên đến 105.000 ha với trên 41.000 hộ nông dân tham gia, cùng 5 nhà máy xay xát chế biến.
Để quản lý được chất lượng sản phẩm, AGPPS đã tiến hành quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu, nông dân được hướng dẫn ghi chép cặn kẽ sổ nhật ký đồng ruộng. Từ đó, các sản phẩm của công ty đều đảm bảo truy xuất được nguồn gốc với chất lượng an toàn, tối ưu. AGPPS có bộ phận chuyên trách với các chuyên gia để quản lý chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao nhất. Cụ thể như tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo Hạt Ngọc Trời của công ty đã vượt qua hơn 623 chỉ tiêu về vệ sinh, an toàn thực phẩm mới đến được tay người tiêu dùng nước này.
Hiện nay, AGPPS đã thành công trong việc đưa sản phẩm gạo cấp cao vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và các quốc gia châu Đại Dương. Công ty hiện có bạn hàng xuất khẩu gạo vào hơn 32 quốc gia trên toàn thế giới.
Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Standard Chartered tài trợ tín dụng trị giá 70 triệu USD để AGPPS phát triển Cánh đồng mẫu lớn và sau đó quỹ đầu tư của ngân hàng này quyết định đầu tư để sở hữu cổ phần của AGPPS. Hiện tại AGPPS và Viettel đang hợp tác với nhau trong nhiều hoạt động, với mục tiêu đẩy mạnh việc đưa công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, phục vụ việc mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chí Nhân

(TNO)

Bình luận (0)