Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Huy chương vàng để làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Tuổi thơ của các VĐV TDDC là những ngày khổ ải, đau đớn vì những bài tập làm dẻo cơ thể như thế này -Ảnh: SpiegelLần đầu tiên, các cô gái chủ nhà Trung Quốc đoạt HCV Olympic môn thể dục dụng cụ (TDDC), trong khi đội Romania – vô địch Olympic Athens 2004 – về hạng ba.

Ngồi xem truyền hình trực tiếp cuộc so tài tranh HCV đồng đội môn TDDC nữ giữa ba đội Trung Quốc, Mỹ và Romania, thật thán phục khi các cô gái cứ như “hình nhân cao su” trong việc bay lượn để thực hiện những động tác vô cùng khó.

Không thể phủ nhận chiến thắng của các cô gái chủ nhà là hết sức thuyết phục, đẹp mắt.

Nhưng xem xong lại thấy trong lòng gợi lên một điều gì đó. Và điều gì đó chính là những gương mặt choắt cheo, già dặn trên những thân hình như thiếu nhi của các VĐV chủ nhà. Tìm kiếm trên mạng, người viết thật bất ngờ trước những thông tin: người lớn tuổi nhất là đội trưởng Cheng Fei, 20 tuổi, nhưng chỉ cao 1,52m và nặng 43kg. Jiang Yuyuan, 17 tuổi, cao 1,4m và chỉ nặng 32kg. Và bốn cô còn lại đều 16 tuổi, xấp xỉ 1,4m và cân nặng chỉ từ 31-36kg!

Vâng, sự khổ luyện đến khắc nghiệt đã biến cơ thể họ mang dáng dấp của một bé gái dù đã ở vào độ tuổi phát triển để trở thành thiếu nữ! Xin nhắc một chút về Ngân Thương – cô gái “vàng” của TDDC VN. Ngân Thương hay các tân vô địch Olympic của Trung Quốc đều đến với TDDC từ năm 5, 6 tuổi. Và đã có nhiều bài báo, bức ảnh nói về sự khắc nghiệt của những ngôi trường đào tạo VĐV TDDC. Ở đó, các VĐV nhí phải hi sinh cả tuổi thơ, từ bỏ những món ăn ưa thích, thậm chí luôn cả chuyện học hành… để tập và phải tập những bài tập kinh hoàng nhắm đến mục tiêu huy chương. Ngân Thương từng kể những buổi tập là những buổi “tra tấn” với đầy tiếng khóc..Một động tác tuyệt vời của Cheng Fei - đội trưởng đội TDDC Trung Quốc- Ảnh: Reuters.

Và đó là câu chuyện mà nhiều quốc gia đã đặt ra tranh luận gay gắt. Cụ thể: tuy một thời là cường quốc TDDC nhưng cách đây hai năm nhân việc một VĐV bị chấn thương cột sống, nước Nga đã dấy lên làn sóng chống đối việc ép buộc các nữ VĐV TDDC tập luyện hà khắc. Kế đến là Romania khi cho rằng đó là sự hủy hoại tuổi thơ. Cho dù một vài quốc gia có chế độ thưởng rất cao khi đoạt HCV, nhưng người ta vẫn cho rằng không gì có thể đánh đổi được việc hi sinh tuổi thơ. Và đó là lý do tại sao hàng loạt cường quốc TDDC tỏ ra sa sút trong vài năm gần đây.

Thể thao suy cho cùng nhằm hướng con người đến một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Thể thao sẽ không còn là thể thao đúng nghĩa nếu không mang giá trị nhân bản. Ngay người đi xem thể thao có lẽ chẳng thể vui nếu suy nghĩ sâu xa một chút: tương lai các nhà vô địch sẽ đi về đâu? Bản thân người viết cũng từng đặt câu hỏi tương tự về trường hợp Ngân Thương, khi hiện tại cô đã 18 tuổi nhưng thiếu hụt đủ thứ trong hành trang vào đời so với bạn bè đồng lứa, nhưng không có một cán bộ thể thao nào trả lời thấu đáo!

Thế thì huy chương vàng để làm gì?

 

HUY THỌ (Theo TTO)

Bảng tổng sắp huy chương sau ngày 14-8

1
Trung Quốc
22 HCV, 8 HCB, 5 HCĐ
2 Mỹ 10 HCV, 9 HCB, 15 HCĐ
3 Đức 7 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ
4 Hàn Quốc 6 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ
5 Ý 6 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ
34 VN 1 HCB

Bình luận (0)