Những năm qua, việc tổ chức quán triệt và thực hiện Chỉ thị 54-CT/T.Ư của Ban Bí thư về Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới đã được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai rộng khắp.
Sinh viên Trường đại học Giao thông hưởng ứng hành động phòng, chống ma túy năm 2011. Ảnh: THANH HẢI
|
Chỉ thị ra đời không những tạo cơ sở xây dựng các văn bản pháp quy về công tác phòng, chống HIV/AIDS, mà còn là điều kiện huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Chúng ta đã từng bước khống chế được tốc độ lây nhiễm HIV, giảm số nhiễm mới và giảm số tử vong do HIV/AIDS. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS triển khai trên phạm vi toàn quốc với nhiều mô hình, nhiều cách làm có hiệu quả; thực hiện đồng bộ các hoạt động như giám sát HIV/AIDS, điều trị người nhiễm HIV/AIDS, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con… Ðáng chú ý, tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, từng bước củng cố, hoàn thiện từ T.Ư xuống cơ sở và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng và các tổ chức quốc tế đã làm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trở thành một hoạt động liên ngành phong phú và đa dạng, hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 54. Kết quả trong cuộc chiến với HIV/AIDS chưa như mong muốn. Rất nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống HIV/AIDS; nhận thức của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và người dân một số địa phương về công tác phòng, chống HIV/AIDS còn phiến diện và chưa xác định là nhiệm vụ của mình; nguồn nhân lực còn hạn chế; ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn thấp và chưa bền vững. Bên cạnh đó, việc thực hiện phối hợp đa ngành phòng, chống HIV/AIDS thực tế cũng gặp phải một số khó khăn như thiếu kinh phí hoạt động, không có cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ không có chuyên môn làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử còn tồn tại ở một số lãnh đạo cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác phối hợp đa ngành. Theo TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), sau 20 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều tồn tại và thách thức như: về môi trường chính sách và pháp lý, một vài địa phương chưa thật sự tạo điều kiện cho việc mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV. Người nhiễm HIV vẫn tiếp tục phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử; các dịch vụ dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu; hạn chế về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đã gây trở ngại cho việc nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm tốt ở cả cấp tỉnh và quận, huyện; tổng ngân sách đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Ðể tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 54, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực; tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị và các ngành, sử dụng các nguồn lực hiệu quả và nhất là huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống đại dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và lâu dài, phải xác định HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến nay nước ta có khoảng 180 nghìn người nhiễm HIV, 44 nghìn người bệnh AIDS đang còn sống và khoảng 49 nghìn người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong. Cùng với việc gia tăng tình hình dịch HIV, số người nhiễm bệnh có nhu cầu chăm sóc và điều trị cũng ngày một gia tăng.
Theo NGUYỄN NGUYÊN
(NhanDan)
Bình luận (0)