Huy động nguồn lực từ cộng đồng đầu tư cho y tế, đặc biệt cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhưng huy động từ nguồn nào, vào đâu, huy động như thế nào để đạt được hiệu quả cao, đúng mục đích là vấn đề cần quan tâm của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Ngày nay, khi đời sống được nâng cao thì các dịch vụ xoay quanh vấn chăm sóc sức khoẻ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cũng được chú ý đến nhiều hơn, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, các dịch vụ CSSKSS vẫn còn những hạn chế, cần sự đầu tư nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước, cộng đồng, xã hội. Xin nêu lên một số hình thức đầu tư mang lại hiệu quả cao trong công tác CSSKSS.
Huy động các nguồn đầu tư vào bệnh viện công
Để thực hiện chủ trương xã hội hóa, Bộ Y tế đã đề ra giải pháp “Huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống y tế công lập”, trong đó “Khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấptrang thiết bị và cung cấp các dịch vụ y tế phù hợp với quy hoạch" đã được phê duyệt (Quyết định 2194/QĐ-BYT ngày 21/6/2005 của Bộ Y tế về phê duyệt đề án phát triển xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân). Thực hiện chủ trương này, việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các cơ sở y tế công lập đang được thực hiện dưới hai hình thức chủ yếu là liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế tại các bệnh viện công và phát triển các dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: vietnam.vn) |
Liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế tại các bệnh viện công:Thực tế cho thấy các hoạt động liên doanh, liên kết tại bệnh viện công đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu về đổi mới trang bị kỹ thuật y tế, đặc biệt những trang thiết bị kỹ thuật cao, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong hoàn cảnh kinh phí Nhà nước chưa cung cấp đủ. Việc huy động các nguồn đầu tư tư nhân dưới các hình thức khác nhau cho y tế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, giúp nâng cao một bước số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ y tế phục vụ nhân dân (theo báo cáo số 65/BC-CP, ngày 05/5/2008 của Chính phủ về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội hoá chăm sóc sức khoẻ nhân dân do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII). Đến nay, các bệnh viện công đã huy động được khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai các kỹ thuật cao, trong đó các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên 500 tỷ đồng, các đơn vị thuộc TP. Hồ Chí Minh huy động và vay quỹ kích cầu gần 1.000 tỷ đồng; các đơn vị thuộc Hà Nội huy động được trên 100 tỷ đồng, Quảng Ninh gần 50 tỷ đồng …
Phát triển các “dịch vụ theo yêu cầu” trong bệnh viện công: Sự thay đổi về đầu tư của các bệnh viện được thể hiện rõ nét ở các bệnh viện lớn. Các bệnh viện có kế hoạch xây mới, mở rộng chủ yếu tập trung theo hướng phát triển khu “dịch vụ theo yêu cầu”. Lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là các máy móc chẩn đoán hình ảnh như: máy chụp cắt lớp, siêu âm màu 4 chiều, đầu dò, nội soi…
Kết quả từ nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, đã có một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện cơ chế tự chủ, phần lớn các bệnh viện đều quan tâm đến phát triển dịch vụ theo yêu cầu và coi đây là nguồn tăng thu chủ yếu. Một số bệnh viện có khu dịch vụ theo yêu cầu riêng biệt hoặc bệnh viện lồng ghép cung ứng dịch vụ theo yêu cầu vào các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường.
Hình thức dịch vụ theo yêu cầu phát triển chủ yếu tại các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Việt Nhật…dịch vụ theo yêu cầu được phát triển dưới một số hình thức như: “phòng khám theo yêu cầu”, “phẫu thuật theo yêu cầu” hoặc “khám bệnh ngoài giờ”. Hay như ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một số dịch vụ chăm sóc còn được cung cấp về tận gia đình để thuận tiện hơn cho người sử dụng dịch vụ.
Về giá thu phí dịch vụ theo yêu cầu, kết quả nghiên cứu khảo sát tại 14 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy tại các bệnh viện tồn tại hai loại bảng giá: giá dịch vụ thường và giá dịch vụ theo yêu cầu. Mức giá dịch vụ theo yêu cầu có sự giao động lớn giữa các bệnh viện. Điều này cho thấy việc tiến hành các hình thức dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công là rất đa dạng và chưa có quy định thống nhất. Những hình ảnh bệnh nhân ở khu khám chữa bệnh theo yêu cầu với đầy đủ tiện nghi, rộng rãi xen lẫn với cảnh bệnh nhân nằm chen chúc 2-3 người/giường trong cùng một bệnh viện công ở một số nơi cũng đã tạo ra những phản ứng trong xã hội. Vì vậy, ở một số địa phương, chưa có sự đồng thuận cao trong việc triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu và liên doanh liên kết trong bệnh viện công.
Huy động các đơn vị tổ chức, các doanh nghiệp tham gia trực tiếp
Khuyến khích phát triển cơ sở y tế tư nhân được quy định cụ thể trong một số luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội (năm 2007). Đến nay, cả nước đã có trên 100 bệnh viện tư nhân, gần 30.000 phòng khám y tế tư nhân; 21.600 quầy thuốc tư nhân và đại lý dược, 450 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền… Hoạt động y tế tư nhân đã chia sẻ một lượng lớn bệnh nhân trong khám bệnh ngoại trú với cơ sở y tế nhà nước, tạo thuận lợi hơn cho nhân dân trong khám, chữa bệnh.
Một số bệnh viện tư nhân đã phát triển kỹ thuật y tế hiện đại, tạo điều kiện cho bệnh nhân chữa trị bệnh ngay trong nước, giảm bớt sự tốn kém so với việc ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Ngoài ra,một số công ty dược phẩm cũng đã kết hợp với các cơ sở y tế để tổ chức truyền thông các vấn đề CSSKSS cho chị em phụ nữ.
Đồng thời, nhằm nâng cao trách nhiệm của nam giới trong công tác dân số – KHHGĐ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bình đẳng giới đến cộng đồng dân cư. 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tập trung tuyên truyền chủ đề: “Nam giới là bạn đồng hành trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ”, nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của nam giới cũng như phụ nữ về sức khỏe sinh sản và tình dục.
Bên cạnh đó các sở, ban ngành, đoàn thể các tỉnh, thành phố cũng đã triển khai và làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản tiêu biểu như: Sở Y tế Đà Nẵng và Khánh Hòa phối hợp cùng tổ chức Marie Stopes International Vietnam (MSIVN) khai trương mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản mang tên Tình chị em. Đây là mô hình nhượng quyền xã hội thí điểm đầu tiên ở Việt Nam được triển khai nhằm củng cố chất lượng và thu hút khách hàng tới các trạm y tế xã/phường để tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Với các chương trình điển hình như thế này, không những cung cấp cho người dân những kiến thức về CSSKSS mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức và cởi mở hơn trong CSSKSS.Điều đó cho thấy, bên cạnh sự đầu tư của nhà nước cho vấn đề CSSKSS thì việc huy động nguồn lực từ cộng đồng đầu tư cho công tác này cũng vô cùng quan trọng và mang lại hiệu quả rất cao. Lãnh đạo các cấp trong ngành cần nắm bắt để có thể huy động hiệu quả các nguồn lực mang lại lợi ích cho nhân dân.
Theo Đào Văn Dũng
Bình luận (0)