Hội nhậpGiáo dục phát triển

Huyện Củ Chi: Nổi bật trong việc nâng cao chất lượng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi họp mặt các nhà giáo nhân ngày 20-11
Là một huyện ngoại thành của TP.HCM, đời sống người dân vẫn còn không ít khó khăn nhưng GD-ĐT Củ Chi thì không hề thua kém các quận nội thành. Trong những năm gần đây, tất cả các ngành học, bậc học trên địa bàn huyện đều chủ động, sáng tạo thực hiện chủ đề năm học. Từng đơn vị giáo dục đều có ý thức “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, phấn đấu thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ, giáo viên; tích cực đổi mới phương pháp quản lý và dạy học…
Chất lượng giáo dục vượt trội
Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 91 trường (gồm: 29 trường MN, 39 trường TH và 23 trường THCS) với 62.981 HS (tăng 6.713 em so với năm học trước). Ngoài ra, còn có 2 đơn vị trực thuộc (Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật và Trường Bồi dưỡng giáo dục), 8 trường MN tư thục và 46 nhóm trẻ gia đình với 4.833 cháu.
Với số lượng trường lớp nhiều như vậy, ngành GD-ĐT huyện Củ Chi đã huy động được 5.585/5.585 trẻ 5 tuổi vào lớp mẫu giáo, đạt tỷ lệ 100%; 4.906/4.906 trẻ 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ 100%; HS hoàn thành chương trình TH vào học lớp 6 là 4.712/4.712 em, tỷ lệ 100%; 3.467/3.689 (tỷ lệ 94%) HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 và các hệ tương đương, tăng 1,5% so với năm học trước.
Đặc biệt, Phòng GD-ĐT đã làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã/thị trấn, các đơn vị trường học triển khai thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Và trên hết là đã kéo giảm được tỷ lệ HS nghỉ, bỏ học (bậc THCS) từ 1,72% năm học 2010-2011 xuống chỉ còn 1,22%; tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu về CMC-PCGD trên địa bàn. Nhất là việc hoàn thành phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi theo đúng kế hoạch đề ra.
Toàn ngành đã làm tốt công tác duy trì sĩ số HS trong nhà trường phổ thông. Cụ thể, tỷ lệ lên lớp thẳng bậc THCS đạt 96,6% (tăng 1,2% so với năm học trước);hiệu suất đào tạo TH đạt 98,9%, THCS đạt 88,36 % (tăng 1,36%). Trong năm có 253 HS được công nhận HS giỏi cấp huyện và 49 em đạt HS giỏi cấp TP; nhiều HS đạt giải cao trong các hội thi, phong trào thể dục thể thao cấp TP.
Bên cạnh đó, hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn ngày càng hiệu quả, thu hút được nhiều đối tượng tham gia học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trong năm, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu tổ chức thực hiện tốt “Tuần lễ học tập suốt đời” và được Sở GD-ĐT TP tặng giấy khen.
Các trường trong huyện phát huy hiệu quả quy chế phối hợp 3 môi trường giáo dục: Gia đình – nhà trường – xã hội trong việc giáo dục HS.
Tích cực xây dựng trường chuẩn quốc gia
Về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Phòng GD-ĐT huyện đã tích cực tham mưu với lãnh đạo huyện, phối hợp các phòng, ban chuyên môn xây dựng 10 trường đạt chuẩn CSVC, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 trường. Tính đến cuối tháng 5-2013 có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (bao gồm các trường: MN Phú Hòa Đông, MN Phạm Văn Cội 1, TH Tân Thạnh Tây, THCS Nguyễn Văn Xơ, THCS Tân Phú Trung) và 1 trường đạt chuẩn mức độ 2 (Trường MN Tân Thông Hội 2). Theo đó nâng tổng số trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia là 15 đơn vị. Kết quả này cho thấy, Củ Chi là địa phương có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP.HCM, nhất là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trong số những trường vừa đạt chuẩn quốc gia, không thể không nhắc đến Trường MN Phạm Văn Cội 1. Năm 2011, nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường được xây dựng mới với diện tích trên 5.800m2, tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Trường hiện đang nuôi dưỡng và giáo dục cho trên 350 HS tại 10 lớp mẫu giáo và 1 nhóm nhà trẻ. Với sự chăm sóc tận tình của các cô giáo, HS của trường được phát triển toàn diện theo 5 lĩnh vực: Thể chất; tình cảm và xã hội; ngôn ngữ và giao tiếp; nhận thức; thẩm mỹ theo độ tuổi. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng kết hợp với phụ huynh giáo dục trẻ các kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi.
Cũng trong năm học 2012-2013, trên địa bàn huyện còn có hai trường TH An Phú 1 và THCS Thị Trấn 2 được UBND TP.HCM công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.
Sở dĩ chất lượng giáo dục Củ Chi ngày càng được nâng cao, một phần quan trọng là bởi ngành GD-ĐT huyện đã thường xuyên phối hợp với các trường ĐH, CĐ duy trì các lớp chuẩn hóa, nâng chuẩn cho cán bộ quản lý, giáo viên. Qua đó đã có 483 học viên theo học các lớp ĐH-CĐ sư phạm MN và TH. Ngoài ra còn có 3 lớp đào tạo hiệu trưởng MN, TH và THCS.
Song song đó, ngành GD-ĐT huyện còn phối hợp với Công an TP, Công an huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên trường học.
“Với thành tích đạt được trong năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT huyện Củ Chi có 3 đơn vị được UBND TP tặng cờ thi đua xuất sắc (gồm: Phòng GD-ĐT huyện, Trường TH An Phú 1 và Trường THCS Tân Phú Trung); nhiều đơn vị trường học được công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Đặc biệt, Trường TH An Phú 1 được Ban thi đua khen thưởng TP đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2; Phòng GD-ĐT được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (QĐ số 1416/QĐ-TTg ngày 26-9-2012), bằng khen của UBND TP (QĐ số 2350/QĐ-UBND, ngày 10-5-2013)”, cô Nguyễn Thị Loan – Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết.
Bài, ảnh: Thùy Linh
Ngành GD-ĐT huyện Củ Chi có được những thành tích đáng trân trọng như vậy, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện, sự hỗ trợ của các ban ngành, sự chia sẻ của phụ huynh, còn là sự nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn của tập thể CB-GV-NV toàn ngành. Trong đó có không ít cá nhân tiêu biểu, vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà. Điển hình như cô Đặng Thị Phương Thảo – Trưởng ban nữ công Công đoàn giáo dục huyện. Cách đây không lâu chồng cô đột ngột qua đời để lại cho cô hai đứa con thơ. Sau khi chồng mất, ngày của cô dường như dài thêm ra bởi có quá nhiều việc phải làm, nào việc nhà – công việc bấy lâu nay đã có chồng lo, việc ở cơ quan. Bởi vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, khoảng 4 giờ sáng là cô phải dậy để trút mủ cao su, nấu cháo cho heo, sau đó lo cho các con ăn sáng và đưa chúng tới trường. Khi công việc gia đình đã tạm ổn, cô Phương Thảo lại tất bật với công việc của một Trưởng ban nữ công. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không có tâm huyết, không “máu lửa” thì chẳng dễ làm. Gánh nặng gia đình vẫn đang đè lên đôi vai gầy yếu của cô. Song, việc gì ra việc nấy. Ở nhà thì làm việc nhà, khi đến cơ quan thì phải làm tròn công việc của mình. Chính vì vậy mà cô luôn làm tốt công việc được giao, tạo được sự tin tưởng của cấp trên, sự nể phục và quý mến của đồng nghiệp”.
 

Bình luận (0)