Theo Thượng tọa Thích Tâm Vượng, Viện chủ chùa Cổ Lễ, trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong thế kỷ 20, từ mái chùa cổ kính này đã có 35 ni, sư cởi áo cà sa ra tiền tuyến giết giặc, bảo vệ quê hương, trong đó có 12 người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bảo tháp của các nghĩa sĩ phật tử ở chùa Cổ Lễ.
|
Một trong những thời khắc đặc biệt nhất trong lịch sử trên 900 năm tồn tại của ngôi chùa này vẫn được nhiều tài liệu lịch sử và nhân dân trong vùng nhắc đến là ngày 27/2/1947, ngày Hòa thượng trụ trì Thích Thế Long làm lễ phát nguyện "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" cho 27 tăng, ni theo chỉ giáo của Đức Phật Thích Câ Mâu Ni: "Vô ngã, vị tha, cứu khổ cứu nạn" và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa và các tài liệu mà nhà chùa còn lưu giữ được, sáng hôm đó, Tỉnh hội Phật giáo cứu quốc Nam Định cùng chính quyền và nhân dân trong vùng đã làm lễ tạm biệt cửa thiền cho 27 vị sư "Cởi áo cà sa ra trận", tham gia bộ đội chủ lực, diệt giặc cứu nước với bài phát nguyện: "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quyên thân hiến máu đào".
Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba do Đại đức Thích Tường Minh chỉ huy, đứng cuối hàng là hai ni cô Đàm Nhung, Đàm Lân khoác túi chữ thập đỏ tiến ra xếp hàng ngang trước bàn thờ Tam Bảo. Thượng tọa Thích Thế Long đọc diễn văn nêu rõ: "Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông". Đại đức Thích Pháp Lữ (sau này trở thành Đại tá, Chính ủy Trung đoàn 542) thay mặt các tăng ni sắp nhập thế bày tỏ quyết tâm vì nghĩa lớn diệt thù cứu nước.
Đại đức Thích Thanh Hùng cầm kỷ vật của các vị sư đã tham gia kháng chiến.
|
Sau khi cử hành các lễ Tam Bảo, Tứ ân theo điển thức lễ trọng, tất cả 27 vị tăng ni ngồi tọa thiền, đồng thanh tụng một đoạn kinh Bát nhã và kết thúc bằng 4 câu nguyện phổ thông của chư phật Bồ Tát. Câu kệ dứt, cả đoàn đứng lên cùng cởi áo cà sa để lộ những thân hình tráng niên rắn rỏi trong bộ đồng phục màu cỏ úa. Thượng tọa Thích Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật. Sư Tường Minh hô: "Đội mũ!". Đồng loạt các vị đội mũ có gắn sao trên đầu, chính thức trở thành những chiến sĩ Vệ quốc quân.
Tại buổi lễ tiễn đưa, sư nữ Đàm Nhung xúc động đọc bài thơ mang đầy nhiệt huyết sáng tác trước lúc nhập ngũ : "Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Việc quân đâu xá quản gian lao/Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trung Vương tỏ nữ hào". Đoàn quân theo tiếng hô dõng dạc của Trung đội trưởng Tường Minh, tất cả đi đều đồng thanh ca vang bài: "Tiến lên đường, tới xa trường…" tiến ra phố Cổ Lễ nhập vào đại quân trong khí thế hào hùng.
Trong những trận giao chiến với quân Pháp, bảo vệ thành phố Nam Định, cố thủ cao điểm Non Nước (Ninh Bình), đơn vị "Nghĩa sĩ phật tử" chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc và 12 vị đã anh dũng hy sinh. Tên tuổi của các liệt sĩ này hiện chỉ được biết đến dưới các pháp danh mà nhà chùa đặt cho như Thanh Tịnh, Đức Hiền, Thiện Nhân, Chân Tâm, Quang Đại, Huyền Cơ, Trí Trung… Nối bước đồng đạo, các vị tăng sĩ còn lại như: Tường Minh, Tâm Trinh, Thanh Hải, Pháp Lữ, ni cô Đàm Nhung… tiếp tục chiến đấu ở các chiến trường Bắc, Trung, Nam và nước bạn Lào, Campuchia.
Ngoài huyền thoại về 35 vị sư "Cởi áo cà sa khoác chiến bào", lịch sử phát triển của chùa Cổ Lễ còn gắn chặt với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ cuối thế kỷ 19. Đệ nhất sư tổ Phạm Quang Tuyên, người có công xây dựng lại chùa, từng đỗ cử nhân và làm quan dưới triều Nguyễn. Vốn giàu lòng yêu nước, cuối thế kỷ 19, ngài đã tham gia tích cực vào phong trào Cần Vương. Khi phong trào này thất bại, chí nguyện xả thân vì nước không thành, ngài đã chọn cửa thiền làm nơi gửi gắm tâm nguyện với dân với nước. Đại lão Hòa thượng Thích Thế Long, người kế tục Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, cũng tham gia kháng chiến và được Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đồng bào, phật tử tin tưởng giao giữ nhiều trọng trách. Hòa thượng Thích Thuận Đức, Viện chủ thứ 3 của chùa Cổ Lễ, từng giữ các chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Nam Định. Thượng tọa Thích Tâm Vượng, người hiện giữ chức Viện chủ tổ đình Cổ Lễ, là một trong số 35 vị sư từng tham gia phong trào "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" năm xưa và hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Nam Định…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Cổ Lễ còn là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh, là cơ sở của đội tuyên truyền cách mạng vũ trang của tỉnh. Chùa đã nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, đại đội 75 huyện Trực Ninh. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa trong chùa từng trở thành đài quan sát chỉ đạo tập kết bộ đội, du kích đánh bốt Cổ Lễ – Vô Tỉnh năm 1952. Lịch sử huyện Trực Ninh còn ghi rõ: Ngày 17/8/1945, Hòa thượng trụ trì Thích Thế Long đã cùng chính quyền lâm thời của huyện tổ chức tăng ni, phật tử cùng nhân dân phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hòa thượng còn tích cực tham gia các phong trào, hiến gần 50 mẫu ruộng của chùa cho Nhà nước…
Năm 1999, nhân kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống "Nghĩa sĩ phật tử" (27/2/1947), một nhóm ni sư từng phát nguyện "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" đã cho lập một bia đá ngay trong khuôn viên chùa để ghi nhớ sự kiện đó. Nhà chùa cũng đã cho xây dựng Đài tưởng niệm các Nghĩa sĩ Phật tử hy sinh trong thời kỳ chiến tranh. Thể theo tâm nguyện cá nhân, xương cốt của 5 vị đã được quy tập, an táng trong vườn tháp của chùa. Đây cũng là nơi mà bất cứ phật tử, du khách nào cũng muốn ghé thăm mỗi khi có dịp, để nghiêng mình tưởng nhớ tới những vị sư "Nhập thế ra trận" năm xưa.
Theo Hữu Chiến
Bình luận (0)