Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Huyền thoại” về người nuôi tôm hùm!

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả cùng ông Nguyễn Văn Lắm (phải) từ một góc Đầm Môn nhìn về phía trời Vân Phong

Trên chiếc đò biển, tôi được nghe câu chuyện về “đầm có cửa” mà chữ nghĩa người xưa đặt tên là Đầm Môn. Cửa Đầm Môn chắn sóng nên sóng ở đây rất hiền lành, nhờ vậy con tôm hùm không dữ như nhiều đầm khác ở miền Trung. Nó hiền lành như ông Nguyễn Văn Lắm. Và chuyện nuôi tôm hùm của ông như một “huyền thoại”.
Từ hành trình làm quen với con tôm hùm đến nghe chuyện “làng cọp râu trắng”
Qua hai ngõ cát, tôi vào tới nhà ông chủ tịch Lắm. Ở làng này, người ta không gọi ông là chủ tịch mà gọi ông Lắm nuôi tôm hùm. Ông là người nuôi tôm hùm đầu tiên, rồi hướng dẫn cả làng nuôi theo. Nhiều năm làm chủ tịch, ông chạy khắp nơi để lo cho dân chứ không ngồi một chỗ với cái bàn cái ghế. Những năm 80, 90 thấy dân đảo Vạn Thành thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học, ông thương lắm. Ngồi ở góc cồn, bãi biển, nghe người ta xôn xao về chuyện nuôi tôm hùm ở biển, ở đầm, ông Lắm nóng ruột nóng gan, ăn không ngon, ngủ không yên. Ngày nọ, ông sắp xếp công việc và bắt đầu chuyến đi xa để tìm hiểu, học hỏi về cách nuôi tôm hùm. Trong thâm tâm ông khẳng định, người ta làm được, mình làm được.
Ông ra Quảng Trị, đầm Phá đã cạn nước, bên phá Tam Giang chỉ còn lại những đường sóng cát. Theo người dân chài ở đây, xưa có một năm đàn tôm đầu to như đầu hổ từ biển vào quẫy sóng, phá lưới, giập chài. Người dân lập đàn cầu thần đuổi tôm hổ. Cũng vừa lúc gió trở sóng to, đàn tôm quạt đuôi đi ra bể mất hút. Ông Lắm ghé xuống làng biển cực đông Phú Yên, vào làng những vũng đất Hòn Bù, những ngọn tháp Hời tròn đầu nằm lẫn trong cỏ lau trắng, bên một cửa biển có gành. Ngày xưa gành đá vây vòng chân bãi có tên là đầm Xuân Đài. Cứ đến mùa xuân – thu, nhiều đàn tôm to lớn dữ như hùm về quậy nước làm đỏ cả sóng. Bà con bơi thuyền ra nhưng không biết cách đánh bắt. Một buổi sáng, dân làng đi ra biển thấy nhiều dấu chân cọp khoanh tròn trên đá. Có hôm về sáng, trời còn trăng, dân làng bất ngờ gặp một ông cọp râu trắng từ trong sương mù dưới bãi đi lên. Từ ngày có cọp râu trắng, không thấy đàn tôm hùm về đầm, vụ cá thu, cá nục được mùa. Làng lập miếu thờ. Ngày lễ miếu thấy cọp râu trắng ngồi riêng một ghế. Xong buổi tế, cọp râu trắng nhận một đầu heo trên bàn tế rồi đủng đỉnh đi ra bãi. Nghe chuyện, ông Lắm nghĩ biển miền Trung có tôm hùm. Đàn tôm hùm xưa “làng cọp râu trắng” đã chuyển vào một đầm nào đó đất miền Trung mình. Đầm Môn chăng?
Ông quyết định trở về làng gặp các cụ già hỏi cho ra chuyện. Nhiều cụ già làng râu trắng như cước tuổi vào bách niên nói cho ông biết đây không phải chuyện cổ tích mà là chuyện thực.
Ngày ấy, tôm hùm lặn dưới sóng Đầm Môn. Người dân làng chài thấy vậy vây bắt, nhưng bắt không được, chỉ nghe càng, nghe chân tôm vút lên mặt nước trót trót. Thấy vậy, ông Năm Vạn Chài (một ngư phủ lâu năm trong làng) chạy về làng, vào miếu lấy cây xà mâu và chiếc mặt nạ gỗ của người đi biển lên thuyền trở ra đầm.
Tay phải cầm xà mâu, tay trái cầm chiếc mặt nạ gỗ sơn dầu rái, từ trên thuyền ông Năm cùng cây xà mâu bịt bạc lao thẳng xuống biển. Nước sủi bọt rồi mất dạng. Mọi người đứng trên thuyền thấy rõ mồn một từng con tôm hùm giương càng chống trả mũi xà mâu. Cây xà mâu cứ nhằm con tôm hùm to nhất, phút chốc, cả mình con tôm hùm từ màu đỏ son thành màu đỏ lửa làm mắt người khó nhận ra nó. Chiếc mặt nạ gỗ ông Năm luôn ép sát ở mảng bụng vì đây là chỗ yếu nhất của con người. Cũng có lúc ông Năm nhằm chỗ lùi của con tôm, mình con tôm dài hơn một thước bay thẳng vào mặt ông, nhưng nhờ năm chiếc ngạnh mũi xà mâu với tài nghiêng lách, ông vít chặt lấy râu, lấy càng con tôm hùm quấn thành mấy vòng. Đâm trúng con tôm nào, ông Năm ngoi lên ném thẳng vào thuyền. Ước tính mỗi con nặng đến năm bảy ký lô, tiếng rơi của nó nghe như tiếng đá ném vào khoang thuyền gỗ, người xưa gọi ông Năm là: “Người đâm tôm hùm”. Nghe câu chuyện này, ông Lắm càng quyết tâm với việc nuôi tôm hùm.
Tấm lòng của “người nuôi mầm non”
Hết nhiệm kỳ làm chủ tịch, ông Lắm báo cáo xin được nghỉ để thực hiện kế hoạch nuôi tôm hùm cho Đầm Môn. Bà con bầu ông làm chủ nhiệm hợp tác xã. Mấy tháng đầu, ông vào rừng đốn tre, chặt cây làm rọ, kết chà để có chỗ cho tôm hùm ở. Nhưng rọ thì chật, chà thì không giữ được khi tôm hùm phóng. Nghe người ở đồng bằng sông Cửu Long làm bè buộc đá thả xuống đáy, ông làm thử. Ngày đầu tiên, ông thả con tôm hùm nặng hơn một ký xuống đầm để thử cách sống, sức ăn và tính “hùm” của nó. Hồi ấy, bà con Đầm Môn đứng vây quanh trên đá, trên thuyền xem ông thả tôm hùm xuống nước. Hơn một tháng theo dõi con tôm hùm, ông quyết định một mình nhảy xuống đầm, bất ngờ con tôm hùm phóng tới bạt mạng, chiếc áo tơi bện bằng nhiều lớp lá dừa khô bị càng tôm đâm thủng tả tơi. Con tôm hùm dần dần chịu sự thuần tính của sóng nước Đầm Môn nên lần thứ hai, ông xuống đầm, con tôm hùm đưa mắt nhìn ông, tám chiếc càng đỏ ngoan ngoãn xếp sát mình. Ông đưa tay vuốt cái đầu như đầu hùm của nó.
Lần khác, ông xuống nước cho tôm hùm ăn, thịt hàu ông để vào bát lớn, tay ông rải từng miếng đưa vào miệng tôm. Thoạt đầu tôm hùm ăn nhón nhén, tám càng dài phủi phủi không lấy gì làm ham thích. Lúc sau, nó dùng càng vồ lấy mồi vò viên đưa vào họng, mồm nó mở rộng ngoạm lấy từng viên mồi như viên kẹo. Đúng là nó ăn như hổ vồ mồi.
Sau hơn hai tháng nuôi thử, con tôm hùm nặng năm ký, ông Lắm mừng rỡ tiếp tục đi mua lứa tôm giống ở “làng cọp râu trắng” còn sót lại về nuôi. Đó là loại tôm hùm con giống to bằng ngón tay cái, chỉ sau một tuần sinh nở đã tự biết vồ mồi.
Chỉ sau bốn vụ nuôi tôm hùm, ông bàn với hợp tác xã hàng tháng để ra khoản tiền làm quỹ nuôi học sinh Đầm Môn đang theo học ở các trường phổ thông trong huyện, thành phố, riêng học sinh theo học đại học ở Sài Gòn, Qui Nhơn, Đà Nẵng quỹ này lấy tên là học bổng tài năng. Nhờ sự giúp đỡ của hợp tác xã, học sinh làng đảo Vạn Thạnh đã vượt qua khó khăn, học tập ngày càng tiến bộ. Học sinh tiểu học đang học ở làng đảo thì được hợp tác xã tổ chức cho tham gia đi lấy hàu và được tính theo công điểm như các xã viên khác để làm quỹ xây dựng nhà trường và quỹ giúp đỡ gia đình học sinh nghèo.
Bài, ảnh: Trúc Chi

Cứ đến mùa hè, các em không còn đi tìm việc làm mà về lại với Đầm Môn làm xã viên nuôi tôm hùm. Các em được chủ nhiệm Nguyễn Văn Lắm phân công theo hợp đồng vào các đội đi đập hàu, cho tôm hùm ăn, coi trông bè tôm bằng sự trả công tính điểm có ưu tiên của hợp tác xã.

Cứ đến mùa thu hoạch tôm là các em học sinh lại về quây quần bên ông Lắm, chúng gọi ông bằng cái tên thân yêu: người nuôi tôm hùm, người nuôi hùm biển, người nuôi mầm non.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)