Tuyến đường 1C từng vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ trong những năm chống Mỹ đã trở thành huyền thoại, đi vào phim, sách… Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C được mong đợi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nơi “Sắt thép cũng phải bị nung chảy"
“Đường 1C – Hôm qua và hôm nay” là chủ đề buổi tọa đàm, gặp gỡ những nhân chứng trên tuyến đường 1C (do Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức vào ngày 14/10, tại TPHCM). Câu chuyện về những người con gái trên tuyến đường được gọi là “nơi sắt thép cũng phải bị nung chảy” đã trở thành huyền thoại.
Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C tại ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Nguồn ảnh: cuutnxpvietnam.org.vn
Tuyến đường 1C hình thành và hoạt động trong giai đoạn 1965-1975, để vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ. Bắt đầu từ Tây Ninh, 1C đi qua đất bạn Campuchia, về biên giới Việt Nam tại xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), băng qua rừng tràm Hà Tiên… rồi về đến Cái Nước, U Minh (Cà Mau). 2/3 trong tổng số hơn 800 người thuộc lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 1C ngày ấy là nữ. Những bờ vai con gái đã gánh vác, vận chuyển vũ khí, đưa rước bộ đội, cáng thương, tải đạn, nhiều người đã mãi mãi nằm lại trên những dòng kênh, những cánh rừng…
Trong truyện ký Huyền thoại 1C – Những bờ vai con gái (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2018), nhà văn Trầm Hương đã viết: “Không bút mực nào tả nổi những mất mát, hy sinh của lực lượng TNXP trên tuyến đường 1C”. Con đường này là mục tiêu hủy diệt của kẻ thù. Địch dùng mọi loại vũ khí: phi pháo, B52, bom na-pan, xăng đặc, chất độc da cam, đánh biệt kích suốt ngày đêm. Kênh Vĩnh Tế ngày ấy được gọi là “kênh vĩnh biệt”. “Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh đồng đội hy sinh không có đất để chôn, bởi bốn bề mênh mông nước. Chúng tôi đành xốc cây gác chéo, đặt đồng đội lên đó, mùa nắng quay trở lại tìm gò đất để chôn. Đó là cái khổ nhất mà chúng tôi phải chịu đựng” – trích lời chia sẻ của chị Tô Thị Thanh Xuân (Tuyết Thu), từng tham gia TNXP 1C, Đại đội Nguyễn Việt Khái 3.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, cựu nữ TNXP Võ Thị Tuyết Lệ nói, rất nhiều lần vận chuyển hàng đã gặp địch, nhưng toàn đội vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. “Năm 1968, địch càn trên sông Vĩnh Tế bằng trực thăng, ném bom, pháo kích liên tục. Lúc đó tôi là y tá. Đưa thương binh xuống hầm, tôi nán lại quan sát thì phát hiện địch đang càn vào. Không thể để chúng phát hiện và bắt sống, tôi bò qua bờ cỏ, núp sau gốc tràm, bắn trả. Đến khi phát hiện mình bị thương không thể di chuyển được nữa, tôi nằm yên chuẩn bị cho đợt chiến đấu cuối cùng. Nhưng rồi tiếng súng xa dần, vài phút sau, tôi nghe tiếng đồng đội. Các anh đã đến chi viện kịp thời” – cựu nữ TNXP Võ Thị Tuyết Lệ kể lại.
Những bờ vai con gái ngày ấy đã cùng góp phần làm nên tuyến đường 1C huyền thoại. Có người trở về, nhưng rất nhiều người đã nằm xuống nơi bưng sâu, lung, bàu, dưới lòng sông, thôn xóm, những tuyến đường…
Mong là di tích lịch sử cấp quốc gia
Nhờ tuyến đường 1C cùng lực lượng TNXP quả cảm ngày ấy, hơn 13.000 tấn vũ khí đã được vận chuyển vào chiến trường Tây Nam Bộ, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968. Lực lượng cũng tham gia đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, bắn rơi 5 máy bay địch, bắn cháy nhiều xe tăng và tàu chiến, làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch… Rất nhiều người đã hy sinh. Nhà thơ Nguyễn Bá (hiện 90 tuổi, nhân chứng sống từ tuyến đường 1C) nhớ như in số đồng đội đã hy sinh: 399 người, trong đó vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ đến nay chưa được tìm thấy. Đó cũng là điều ông đau đáu khôn nguôi.
Ngày ấy, những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi, theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường, dâng hiến tuổi xuân và ngã xuống vì đất nước. Cuộc gặp gỡ, tọa đàm “Đường 1C – Hôm qua và hôm nay” được tổ chức để tưởng nhớ, ghi công và cũng là để giáo dục thế hệ thanh niên lòng biết ơn và tinh thần yêu nước. Một trong những điều được các lãnh đạo, cựu TNXP cũng như các nhà văn, thế hệ trẻ mong đợi là bia tưởng niệm TNXP tuyến đường 1C sẽ được trùng tu, nâng cấp và công nhận giá trị di tích ở cấp độ quốc gia.
Ông Ong Văn Ngay – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) – cho biết, do không gian bia tưởng niệm còn nhỏ hẹp và thiếu công trình phụ nên chưa thể tổ chức được các hoạt động lễ hội lớn hay sinh hoạt văn hóa mà chủ yếu là lễ dâng hương, tổ chức kết nạp đoàn viên cho thanh niên tại địa phương.
“Hiện nay, bia đã xuống cấp; dù có sửa chữa nhưng không đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với ý nghĩa lịch sử và với những hy sinh, mất mát của thế hệ thanh niên đã ngã xuống vì Tổ quốc. Vì là huyện biên giới, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực để trùng tu di tích” – ông Ong Văn Ngay nói. Tiến sĩ Lê Hồng Liêm – Trưởng ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam – bày tỏ mong muốn bia tưởng niệm TNXP tuyến đường 1C trong tương lai gần, có thể trở thành một địa chỉ văn hóa – lịch sử về nguồn có ý nghĩa cho thế hệ trẻ.
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)