Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Huyện Tiền Hải – Thái bình: Phát triển đa dạng – bền vững

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm văn hóa huyện Tiền Hải

Năm 1828, cuộc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ đã biến một vùng bãi biển Tiền Châu hoang vu, rộng lớn thành vùng đất canh tác, lập lên huyện Tiền Hải, thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định.

Đến năm 1893, phủ Kiến Xương được cắt về tỉnh Thái Bình. Từ đó, Tiền Hải trở thành một huyện của tỉnh Thái Bình. Tiền Hải có diện tích tự nhiên 286,980 km2,, trong đó có 16.684 ha đất nông nghiệp. Dân số 211.000 người, trong đó có 100.000 người trong độ tuổi lao động. 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN ước đạt 504 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2008. Tổng giá trị xây dựng cơ bản ước thực hiện 6 tháng đầu năm 90 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Thế mạnh – khai thác tiềm năng biển

Tiền Hải có nhiều thuận lợi và ưu thế để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Huyện đang đầu tư để phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Khuyến khích nuôi các con đặc sản có giá trị hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm sú phát triển khá mạnh, chủ yếu bằng hình thức nuôi thâm canh tập trung; sản lượng tôm xuất khẩu từ vài ba trăm tấn đã tăng lên 2.200 tấn. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 3.977 ha, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: diện tích nuôi nước ngọt 907 ha, tăng 2,6%, diện tích nuôi nước lợ 2.150 ha; diện tích nuôi ngao 920 ha, bằng 100% kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt là: 18.045 tấn, tăng 28,2%. Hiện nay, nhiều hộ gia đình nuôi tôm, ngao đã giàu lên nhanh chóng. Xã Nam Cường, Đông Minh, Nam Thịnh nuôi cá vược, cá song, cá tra và đa dạng hoá con nuôi, nuôi xen canh giá trị kinh tế cao, mở rộng diện tích nuôi ngao. Phấn đấu đưa sản lượng ngao thương phẩm đạt khoảng 15.000 tấn; và đưa ngành thuỷ hải sản đạt giá trị sản xuất 306 tỷ VND.

Du lịch huyện đang kết hợp với các ngành chức năng xây dựng cơ sở hạ tầng khu phố biển Đồng Châu, thực hiện quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư xây dựng khu Cồn Vành. Những dải cồn cát ven biển như: Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Đen và vùng đất ngập mặn rất thích hợp trồng tập trung cây sú vẹt, bần.

Hiện tại có gần 5.000 ha rừng vừa giữ đất, chắn sóng, vừa tạo môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên du lịch ven biển. Tiền Hải phấn đấu đến năm 2010 về du lịch sẽ đón 12.000 lượt khách quốc tế, và 800.000 lượt khách nội địa, nhịp độ tăng trưởng bình quân 19,2% năm; thu nhập từ du lịch tăng bình quân 21,8% năm giai đoạn 2007 -2010, tăng bình quân 17,5% năm giai đoạn 2011 – 2015.

Khai thác tiềm năng khoáng sản

Tiền Hải có mỏ khí đốt đã được khai thác từ năm 1986 với sản lượng khai thác bình quân mỗi năm hàng chục triệu m3 khí thiên nhiên phục vụ cho sản xuất đồ sứ, thủy tinh, gạch ốp lát, xi măng… các  DN này đã tham gia sản xuất, tạo thành khu công nghiệp sử dụng khí mỏ Tiền Hải. Tại Tiền Hải, TCty Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nổ địa chấn 3D lô 103/107 Vịnh Bắc Bộ (trữ lượng ước tính ban đầu khoảng 7 tỷ m3). Ngày 23/3/2005, Cty Đầu tư phát triển Dầu khí (PIDC), TCty Dầu khí Việt Nam đã thử vỉa thành công tại giếng khoan xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải ở độ sâu 2.600 m. Theo kết quả đánh giá ban đầu lưu lượng khí khai thác đạt 30.000 m3/ngày.

Đối với ngành sản xuất sành sứ thuỷ tinh, từ năm 1987 công nghệ nấu thuỷ tinh và sản xuất sứ sử dụng khí mỏ đã bước đầu được áp dụng với quy mô ngày càng lớn. Từ đó đã tạo được bước ngoặt mới cho ngành sản xuất sành sứ, thuỷ tinh kể cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm. Đến nay khu vực khí mỏ Tiền Hải đã thu hút gần 30 DN, với các mặt hàng chủ yếu là sứ dân dụng, sứ mỹ nghệ, gạch men xây dựng. Mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450 m có trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu m3, đã khai thác từ năm 1992, có sản lượng 9,5 triệu lít được trong và ngoài nước biết đến với các nhãn hiệu nước khoáng Vital, nước khoáng Tiền Hải. Trong lòng đất Tiền Hải còn có than nâu thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng rất lớn (trên 30 tỷ tấn) nhưng phân bổ ở độ sâu 600 -1.000 m nên chưa đủ điều kiện để khai thác.

Định hướng phát triển kinh tế

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế; tình hình dịch bệnh ở người, gia súc gia cầm, sâu bệnh hại lúa, màu diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Với mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện Tiền Hải, với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt, kịp thời của Huyện uỷ – HĐND – UBND huyện, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các DN và nhân dân trong huyện, nên đã đạt được kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân.

Định hướng 6 tháng cuối năm 2009 UBND huyện sẽ chú trọng việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển khu du lịch sinh thái và xây dựng khu neo đậu tàu thuyền để thu hút các DN trong và ngoài nước vào thu mua chế biển hải sản, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, sẽ đưa Tiền Hải sẽ trở thành một huyện có nền kinh tế đa dạng ổn định phát triển và bền vững.

Minh Thành (dddn)

Bình luận (0)