Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Huỳnh Uy Dũng: Ông làm thơ cốt để lớp trẻ ngày nay hiểu về lịch sử dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thơ “Thăng Long – Ngàn năm Văn Hiến” là tuyển tập hàng trăm bài thơ của tác giả Huỳnh Uy Dũng sáng tác; được NXB Văn Hóa, NXB Thanh Niên… ấn hành vừa ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Tập thơ tập hợp những vần thơ mộc mạc, giàu hình ảnh của ông về những giai đoạn lịch sử của đất nước ngàn năm văn hiến với những ngôn từ mang đậm cảm xúc chân thực…

Huỳnh Uy Dũng đến với thơ bằng cả trái tim và khối óc của mình. Ông từng nói: “Tôi làm thơ cốt để cho lớp trẻ ngày nay thấu hiểu thêm được khí thế hào hùng của dân tộc ngàn năm văn hiến”. Thế nên, cảm nhận đầu tiên của người yêu thơ khi đọc tuyển tập thơ này là sự hồn hậu, mộc mạc toát lên trên từng bài thơ; mỗi bài thơ là một xúc cảm chân thực của tác giả Huỳnh Uy Dũng về mỗi giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Đọc tập thơ, người ta gặp nhiều bài thơ, vần thơ đong đầy tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc… Có khi là những cảnh đẹp quê hương được thể hiện đầy xúc cảm: Mười lăm thế kỷ, một ngôi chùa / Trấn Quốc bây giờ, Khai Quốc xưa / Trải những Lý Trần, danh có đổi / Qua bao Lê Nguyễn, thực còn lưa… (trích: chùa Trấn Quốc).
Có khi lại là niềm tự hào, biết ơn của thế hệ con cháu với tổ tiên cội nguồn: Điều siêu việt nhất dân tộc Việt / Ấy phiến Tâm tha thiết cội nguồn / Bánh Dày tròn Bánh Chưng vuông / Công cha nghĩa mẹ đời khôn báo đền / Mười tháng ba ngày thiêng Quốc Tổ / Ngày giỗ thiêng Quốc Tổ Hùng Vương / Triệu lòng nghi ngút khói hương / Tỏa mây lành khắp Hùng Sơn bạt ngàn… (trích: Sử thi Quốc tổ Hùng Vương).
Không cầu kỳ, hầu hết tứ thơ trong các bài đều thể hiện giản dị nhưng tinh tế, sâu lắng. Tập thơ “Thăng Long – Ngàn năm Văn Hiến” được sắp xếp theo từng chủ đề – chủ điểm: Trường ca Thăng Long; Quốc tổ Hùng Vương; Thắng cảnh Thăng Long… Có lẽ vì thế mà người yêu thơ dễ dàng cảm thấy được ý thơ mà tác giả muốn truyền đạt “Niềm biết ơn của thế hệ con cháu về cội nguồn dân tộc”…
Tọa lạc tại TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách UBND thị xã vào khoảng 7km về hướng huyện Bến Cát; Khu Du lịch Đại Nam Văn Hiến được xem là công trình du lịch thuộc loại quy mô bậc nhất ở Việt Nam được thực hiện với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng. Với tổng diện tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha; Đại Nam có đủ cả biển, hồ, sông núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam Quốc Tự và dãy Núi Bảo Sơn. Ngoài ra, tại khu du lịch còn có nhiều hạng mục quan trọng khác thể hiện vẻ đẹp về thiên nhiên cũng như phản ánh những thành tựu nổi bật của 64 tỉnh, thành trong cả nước và những hình ảnh giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam…
Trong không khí ấm áp của những ngày xuân, trên khắp mọi miền quê hương đất nước đang vào mùa lễ hội. Thể hiện lòng thành kính, tri ân, hiếu nghĩa của con cháu Lạc Việt nhớ về cội nguồn tổ tiên đã có công khai phá, xây dựng, bảo vệ non sông đất nước, phát triển nền văn hoá văn minh của dân tộc; báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu với bạn đọc một số tác phẩm của Huỳnh Uy Dũng, viết về những thắng cảnh của Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
THÀNH CỔ LOA
Cách ba thế kỷ trước công nguyên
Âu Lạc kinh đô đã dựng nền
Thành ấy Cổ Loa hình xoắn ốc
Đất này Hà Nội cõi rồng tiên
Móng rùa xót kẻ sầu vong quốc
Lông ngỗng thương ai lạnh cửu tuyền
Trải bấy phong sương nhưng Giếng Ngọc
Đến nay vẫn biếc một lời nguyền.
ĐỀN HAI BÀ TRƯNG
Thân nữ nhi, mà chí trượng phu
Thù nhà nợ nước dễ cam ru
Phất cờ nương tử gìn quê mẹ
Thay mặt nam nhân đuổi giặc thù
Nghĩa chị tình em thơm vạn đại
Gan vàng dạ sắt chói thiên thu
Hai bà Trưng Trắc cùng Trưng Nhị
Dựng cõi trời Nam vững chiến khu
ĐỀN SÓC SƠN
Bên bờ Sông Đuống huyện Gia Lâm
Có bậc anh hùng… dũng thậm thâm
Đồng tử ba năm Phù Đổng chí
Thiên vương muôn thuở Lạc Hồng tâm
Ngốn nồi cơm lớn, gom thần lực
Nhổ bụi tre già, quét ngoại xâm
Đuổi giậc Ân xong, phi ngựa sắt
Hóa thân đỉnh Sóc ngát hương trầm
PHƯỜNG BÍCH CÂU
Từ thời Thục Phán nước Văn Lang
Phường Bích Câu xưa đã địa đàng
Trên đỉnh Nùng Sơn, con suối ngọc
Chảy qua Thủ Lệ, đảo rùa vàng
Đóa Sen Trắng Phật tô Bồng đảo
Cô Giáng Kiều Tiên điểm Đạo tràng
Huyền thoại Tú Uyên truyền lễ hội
Cho Thăng Long đẹp mãi kỳ quan
CHÙA TRẤN QUỐC
Mười lăm thế kỷ, một ngôi chùa
Trấn Quốc bây giờ, Khai Quốc xưa
Trải những Lý Trần, danh có đổi
Qua bao Lê Nguyễn, thực còn lưa
Mở Như Lai tạng, truyền Chân đạo
Tụng Pháp Hoa kinh, chuyển Phật thừa
Bảo tháp nguy nga, hồn Lạc Việt
Hồ Tây một gọi, vọng nghìn thưa
CHÙA DIÊN HỰU
Một đóa hoa sen nở giữa hồ
Ấy chùa Diên Hựu trấn kinh đô
Thái Tông mộng Phật ngồi toà Bụt
Thiên Tuệ khuyên người niệm chữ Vô
Linh Chiếu mãi in hình tháp cũ
Quy Điền thử hỏi dấu chuông mô
Nghìn năm cõi địa linh nhân kiệt
Một đóa hoa sen nở giữa hồ
VẠN NIÊN TỰ
Vạn Niên chùa cổ đất Thăng Long
Thọ mãi ngàn năm với núi sông
Trước Lý, đã ngời danh thắng địa
Sau Lê, thêm vẳng đại hồng chung
Thảo Đường hợp nhất đôi Thiền, Tịnh
Liễu Hạnh phân phô một Nhị, Nùng
Bên cạnh Hồ Tây, vòm ngọc thụ
Vạn Niên chùa cổ đất Thăng Long
CHÙA NON NƯỚC
Này này Thiền Tự Sóc Thiên Vương
Ấy gọi chùa Non Nước diệu thường
Khuông Việt quốc sư công vệ quốc
Già lam phương trượng đức lưu phương
Chùa xây ngàn lẻ năm trường tại
Tượng đúc ba mươi tấn cúng dường
 Phật Giáo, Việt Nam chung lịch sử
Trọn mười thế kỷ một vần thương
NĐ – QH (thực hiện)
Mời bạn đón đọc kỳ tiếp theo – Số 778 Thứ 6 ngày 29-1-2010 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)