Ngày 17-7, Trường CĐ Kỹ nghệ II – HVCT đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm thành lập trường.
TS.Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng HVCT phát biểu tại lễ kỷ niệm 42 năm thành lập trường
HVCT được xây dựng và phát triển trên cơ sở của Trung tâm huấn nghệ Thủ Đức. Sau 1975, trung tâm là một bộ phận của Viện phục hồi chức năng và sau đó đổi tên thành Trường dạy nghề Thủ Đức. Ngày 4-12-1976, Trường dạy nghề Thủ Đức tách khỏi Trung tâm phục hồi chức năng lao động TP.HCM trở thành một đơn vị sự nghiệp đào tạo độc lập. Ngày 17-7-1978, Trường đổi tên thành Trường dạy nghề Thương binh Thủ Đức với nhiệm vụ trọng tâm là dạy nghề cho thương, bệnh binh trên phạm vi cả nước. Ngày 10-3-1993, trường lại được đổi tên thành Trường dạy nghề Người tàn tật Trung ương II và ngày 14-8-2001, trường đổi tên thành Trường Kỹ nghệ II.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí trao Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH cho các cá nhân
Để đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho xã hội cũng như đáp ứng số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, ngày 31-1-2007, nâng cấp Trường Kỹ nghệ II thành trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM.
Đến ngày 28-10-2016, trường chính thức mang tên Trường CĐ Kỹ nghệ II, đây cũng là thời điểm trường bắt đầu thực hiện quản trị nhà trường theo cơ chế tự chủ.
TS.Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN: HVCT xứng đáng là một mô hình đào tạo tự chủ
Phát biểu tại đây, TS.Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng, Hiệu trưởng HVCT nhấn mạnh: Mặc dù thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2016 đến nay, mức học phí tăng gấp đôi nhưng kết quả tuyển sinh hàng năm đều ổn định. Kết quả đào tạo tính đến tháng 9-2019: 25.948 HS-SV, trong đó CĐ nghề 8.200 SV; TC nghề 5.294 HS; sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên: 12.452 lượt người học. Chất lượng đào tạo được nâng lên, HS-SV ra trường được đảm bảo việc làm, tỷ lệ SV có việc làm sau tốt nghiệp là 92%, 7% tự tạo việc làm. Ngoài ra từ năm 2018, trường ký cam kết 100% HS-SV có việc làm sau khi ra trường.
TS.Nguyễn Thị Hằng cũng cho biết, HVCT đã chuyển đổi 26 nghề đào tạo theo mô hình dào tạo gắn với doanh nghiệp (DN), tập trung đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và đào tạo chất lượng cao; Chuyển 40% mô đun, môn học của chương trình đào tạo xuống DN; 20 cán bộ kỹ thuật các DN tham gia giảng dạy tại trường; Ký kết nhiều hợp đồng cung ứng lao động với DN; Mỗi khoa lựa chọn ít nhất 5 DN chiến lược; Ký hàng trăm hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của DN…
“HVCT phấn đấu đạt 5 mục tiêu: Là địa chỉ GDNN tin cậy của Nhà nước cho người học và DN; Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, là top 5 trường dẫn đầu về hoạt động tự chủ hiệu quả, tăng cường hoạt động dịch vụ gắn với đào tạo, phấn đấu đạt thu nhập bình quân của CB-VC là 15 triệu đồng/ tháng trong năm 2020 và hàng năm tăng từ 5%-10%; Mở rộng hợp tác quốc tế với các chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế; Đảm bảo quy mô đào tạo tại trường đạt 5.000 HS-SV trình độ CĐ và TC. Hàng năm đào tạo 10.000 lượt trình độ sơ cấp và thường xuyên; Định hướng phát triển thành trường ĐH theo hướng thực hành trong giai đoạn 2030-2035”, TS.Hằng chia sẻ về định hướng trong thời gian tới.
Tham dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS.Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.
PGS.TS.Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN trao giấy khen cho các tập thể và cá nhân
TS.Hương đánh giá: “Dù trong tình hình khó khăn chung nhưng HVCT vấn tuyển sinh ổn định hàng năm, có quan hệ tốt với DN, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội… xứng đáng là một mô hình đào tạo tự chủ. Tuy nhiên, để trường phát triển ổn định hơn nữa, cần hợp tác với DN thực chất hơn, phát triển đội ngũ nhà giáo để nâng chất lượng đào tạo. Đặc biệt là có sự tham gia của người làm việc trong DN với tư cách nhà giáo…”.
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân của HVCT đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH; giấy khen của Tổng cục GDNN và của trường vì có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường.
T.Anh
Bình luận (0)