HS Trường Quốc tế Singapore trong buổi hoạt đông ngoại khóa. Ảnh: website của trường |
Học phí “VIP” vẫn bị đối xử?
Liên tục “phàn nàn” về những hành vi quá hiếu động của một cháu bé 7 tuổi, lãnh đạo Trường Quốc tế Singapore (SIS) 2D – Vạn Phúc (Hà Nội) đã nhiều lần yêu cầu phụ huynh của cháu đến trường làm việc với Ban Giám hiệu để thống nhất đưa ra một phương án thích hợp. Tuy nhiên, cuối cùng cháu bé vẫn bị nhận quyết định buộc thôi học trong sự ngỡ ngàng của phụ huynh.
Sự việc hy hữu trên xảy đến với cháu Vũ Quốc Khánh, vừa hoàn thành chương trình học tại lớp 1C với thành tích Giáo dục Giỏi; được khen thưởng Học sinh giỏi của ngôi trường do Singapore đầu tư.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến, mẹ Quốc Khánh không khỏi bức xúc. Theo chị, hành vi này là phân biệt đối xử và việc đuổi học sẽ gây những tổn thương về tinh thần đối với cháu.
Sự việc bắt đầu từ khoảng giữa tháng 2/2011. Ngày 15/2, Phó Hiệu trưởng Kim Sweetman gửi thông báo cho phụ huynh với nội dung Khánh hiếu động và nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè.
Vị hiệu phó đã đề nghị phụ huynh tới làm việc với nhà trường vào cuối giờ chiều ngày 17/2 để thảo luận về các biện pháp tiếp theo nhằm làm sao cho những hành vi mà Quốc Khánh đã thực hiện trong thời gian qua sẽ không lặp lại nữa.
Chị Yến đã đến làm việc theo yêu cầu của nhà trường. Theo đó, để cháu Khánh được tiếp tục theo học, gia đình phải tự thuê một trợ giảng riêng, chi phí tự trả, không thuộc trách nhiệm của nhà trường.
“Gia đình tôi đã thực hiện theo yêu cầu của nhà trường. Kết quả là cháu đã có tiến bộ theo nhận xét của trợ giảng và giáo viên phụ trách lớp khi gia đình hỏi thăm về cháu”.
Song, không hiểu vì lý do gì, cuối năm học, ngày 13/6, gia đình chị Yến nhận được thông báo con mình không được tiếp tục học tại trường nữa. Quá bất ngờ, gia đình đã mời luật sư.
“Sau khi luật sư làm việc với nhà trường và được cung cấp hồ sơ liên quan đến cháu Khánh (mặc dù chưa đủ!?), gia đình tôi nhận thấy trường Quốc tế Singapore đã lừa dối.
Cụ thể: tờ khai bằng tiếng Anh không được giải thích rõ ràng, đặc biệt là phần “lưu ý”. Điều khoản cam kết ký ngày 06/4/2011 chỉ phiên dịch phần “thuê trợ giảng” mà không nói đến lý do “ngừng cung cấp dịch vụ dạy học đối với cháu Quốc Khánh” ở phần 6 và phần nhà trường “không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tai nạn hoặc thương tích nào có thể xảy ra với Quốc Khánh”. Đây là dấu hiệu nhà trường đã lừa dối chúng tôi, vì với những điều này, nếu được biết trước chúng tôi sẽ hiểu ngay cháu Khánh con tôi sẽ không bao giờ được học lớp 2 ở trường Quốc tế Singapore nữa, và nhà trường đã thoái thác trách nhiệm khi có rủi ro xảy ra đối với cháu Khánh.
Tuy nhiên, điều khó hiểu nhất: tại học bạ của Quốc Khánh được nhà trường nhận xét ngày 02/6/2011 (10 ngày trước khi có QĐ buộc thôi học), cháu Khánh được kết luận: Xếp loại giáo dục: Giỏi; Khen thưởng: Học sinh giỏi, đủ điều kiện lên lớp 2; học lực: tiếp thu tốt, học lực tương đối đồng đều ở các môn học…; Hạnh kiểm: Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của một người học siunh; biết đoàn kết giúp đỡ các bạn; lễ phép với các thầy cô giáo; đôi khi còn nói chuyện riêng và làm việc tự do trong lớp.
Chị Yến lập luận: Nếu bản nhận xét thành tích học tập của con tôi là đúng thì việc nhà trường ký QĐ “ngừng cung cấp dịch vụ dạy học” ngày 13/6/2011 đối với Khánh là vô lý, không có cơ sở, vì học bạ cho thấy cháu là một học sinh có nhiều ưu điểm cả về học lực và đạo đức. Còn nếu như nhận xét ngày 13/6/2011 của ông Erik – hiệu trưởng nhà trường, thì gia đình tôi bị trường Quốc tế Singapore lừa dối về kết quả học tập của cháu.
Với lập luận trên, gia đình đã khiếu nại quyết định thông báo “về việc ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục đối với cháu Vũ Quốc Khánh”.
Nội dung đơn khiếu nại có chi tiết: “Trong trường hợp bị lừa dối bởi kết quả học tập của con mình, gia đình yêu cầu nhà trường hoàn trả số tiền trên 160 triệu đồng (tiền dịch vụ cho một năm học của cháu Khánh tại SIS) vì nhà trường không hề dạy cho con tôi về học tập cũng như về đạo đức”.
Chị Yến thông tin thêm: “Cháu Khánh đã học một năm mẫu giáo ở Kinderworld tại Tháp Hà Nội, thuộc hệ thống của Cty CP trường tư thục Quốc tế Kinderworld Việt Nam. Việc buộc thôi học một cháu bé lớp Một trong khi chúng tôi phải thanh toán một khoản phí dịch vụ rất cao cho một năm học của bé liệu có ảnh hưởng đến tâm lý của một đứa trẻ hay không, trong khi QĐ buộc thôi học này là chưa thuyết phục chúng tôi!?”.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng?
Trao đổi với VietNamNet sáng 28/7/2011, bà Hoàng Chi Mai, giám đốc Cty Cổ phần trường Quốc tế tư thục Kinderworld tại Hà Nội giải thích về quyết định mà trường mình đang bị kiện.
Theo bà, quyết định “ngừng cung cấp dịch vụ đào tạo giáo dục” đối với em học sinh lớp 1C này là giải pháp cuối cùng của công ty.
Lý do của quyết định trên là cháu Khánh có biểu hiện bệnh lý: cháu đang điều trị bệnh rối loạn tăng động, giảm chú ý. Hồ sơ bệnh án này đã được mẹ cháu cung cấp cho nhà trường từ khoảng giữa tháng 2/2011 khi nhà trường phản ánh với gia đình về các biểu hiện không bình thường của Khánh tại lớp.
Trong biên bản làm việc ngày 22/6/2011 giữa nhà trường và đại diện gia đình, lãnh đạo nhà trường đã cung cấp nhiều thông tin về những hành vi khác thường của Khánh như: thường xuyên nói to, làm ồn, đi lại tự do, làm việc riêng, gây gổ với bạn bè trong lớp…
“Nhà trường đã áp dụng các biện pháp để giáo dục con nhưng đến ngày 15/2/2011 thì Quốc Khánh có vấn đề bất thường về hành vi và cảm xúc. Những việc mà Khánh thực hiện là do học sinh không kiểm soát được hành vi của mình do chứng bệnh tăng động giảm chú ý chứ không phải do Quốc Khánh hư hoặc nghịch ngợm…” – biên bản làm việc ngày 22/6/2011 cho biết.
Sau đó, ngày 28/3/2011, trường đã gửi thông báo không thể cung cấp chương trình học chuyên biệt và các biện pháp y tế cần thiết cho Khánh.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục theo học tại SIS, gia đình phải chấp nhận các điều kiện do nhà trường đưa ra, trong đó có việc thuê giáo viên trợ giảng và phụ huynh đã chấp thuận.
Mặc dù giáo viên lớp 1C và giáo viên trợ giảng xác nhận “cháu Khánh có tiến bộ”, SIS vẫn ra quyết định “ngừng cung cấp dịch vụ đào tạo” với Khánh với lý do: nhà trường vẫn nhận được những phàn nàn của các phụ huynh khác về việc cháu thường xuyên đe dọa và đánh các bạn trong lớp.
Bà Mai thông tin: đã có năm cháu xin chuyển lớp sang một cơ sở đào tạo khác của Kinderworld. “Chúng tôi vì lợi ích chung và chúng tôi cũng phải cân nhắc về lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu như tiếp tục cho cháu Khánh học tập tại trường, các phụ huynh khác sẽ tiếp tục phàn nàn và lo ngại” – bà Mai cho biết.
Theo cách giải thích trên, việc SIS đồng ý cho cháu Quốc Khánh theo học tại đây đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi 5 khách hàng. Và bà Yến, mẹ cháu Khánh bức xúc: “Như thế, trường Quốc tế SIS đã có sự phân biệt đối xử với cháu Khánh. Họ đã vì lợi nhuận nên đưa ra quyết định “ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục” đối với Khánh!”.
Phụ huynh không biết mình ký vào những cái gì?
Một nội dung khác chị Yến khiếu kiện Trường Quôc tế SIS, đó là: trong các biên bản làm việc giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, vợ chồng bà không được ký tên vào biên bản. “Như thế, tính pháp lý của văn bản đó là không có. Nhiều nội dung không đúng với sự thật. Điều này, luật sư của chúng tôi sẽ yêu cầu nhà trường giải trình!”. |
Đó là lý do chị cho rằng, nhiều “điều khoản, quy định” trong các văn bản do SIS gửi đến gây bất lợi cho phía khách hàng.
Lãnh đạo của Kinderworld chi nhánh Hà Nội, bà Hoàng Chi Mai thừa nhận, từ năm 2001 đến nay, các văn bản của đều bằng tiếng Anh mà chưa có bản tiếng Việt. Lý do: khách hàng đều là người nước ngoài. Bà Mai cho biết, trong thời gian gần đây, khi Kinderworld mở rộng liên kết giáo dục mới có khách hàng người Việt. Kinderworld sẽ cải thiện lại vấn đề này.
Tuy nhiên, điều chị Yến phản ứng quyết liệt là cháu Quốc Khánh đã hoàn thành xuất sắc kết quả học tại trường SIS nên không có lý do buộc thôi học.
“Hồ sơ đăng ký nhập học của nhà trường có mục điền các thông số về sức khỏe của các cháu. Nếu như có vấn đề về bệnh lý, các cháu sẽ không đủ điều kiện theo học” – chị lập luận.
Bình luận (0)