Ngày 24/9, những người làm việc trong khu vực công ở Hy Lạp đã bắt đầu cuộc bãi công kéo dài 48 giờ.
Đây là đợt thứ hai trong một chiến dịch kéo dài nhiều tuần để phản đối kế hoạch cắt giảm việc làm mà Chính phủ Hy Lạp đang triển khai để đổi lấy các gói cứu trợ nước ngoài.
Tiếp nối cuộc đình công trong tuần trước, đợt bãi công lần này đã làm tê liệt hoạt động các cơ quan của chính phủ cũng như của các bệnh viện công. Nhiều liên đoàn lao động cũng lên kế hoạch biểu tình vào chiều 24/9.
Biểu ngữ "Không cắt giảm nhân công, ổn định việc làm" trong cuộc tuần hành hưởng ứng đình công ở Athens. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, từ ngày 23/9, hai trường đại học hàng đầu của Hy Lạp là Đại học Athens và Đại học Bách khoa Athens cũng tiến hành đình giảng nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm của chính phủ, đồng thời cho biết họ sẽ tìm cách ngăn chặn kế hoạch này bằng cách khởi kiện ra tòa án. Trong khi đó, giáo viên và giảng viên công lập trên cả nước đã tiến hành đình giảng từ ngày 16/9 vừa qua.
Cuộc biểu tình ngày hôm nay diễn ra đúng lúc các đại diện của "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đến Hy Lạp để kiểm tra tiến độ thực hiện những cải cách hệ thống của nước này.
Tình hình tài khóa và những cải cách của Hy Lạp sẽ quyết định liệu họ có tiếp tục được giải ngân khoản vay 1 tỷ euro (khoảng 1,4 tỷ USD) từ EU và IMF hay không. Tính đến nay, Hy Lạp đã nhận được hai gói cứu trợ của bộ đôi EU-IMF trị giá tới 240 tỷ euro. Tuy nhiên, hai gói này sẽ kết thúc vào năm 2014.
Do Chính phủ Hy Lạp tiếp tục đối mặt với khoản thiếu hụt ngân sách khoảng 10 tỷ euro (khoảng 13,5 tỷ USD) nên nước này đã được các chủ nợ đồng ý cho vay tiếp một khoản cứu trợ thứ ba.
Theo quy định của EU và IMF, để nhận được các khoản cứu trợ, Chính phủ Hy Lạp phải cắt giảm 4.000 việc làm trong khu vực công và thuyên chuyển 25.000 lao động khác trong khu vực công từ nay đến cuối năm 2013.
Tuy nhiên, sa thải lao động khu vực công là chủ đề nhạy cảm ở Hy Lạp, đất nước đang chìm trong khủng hoảng nợ với tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức kỷ lục là 28% lực lượng độ tuổi lao động, và số người nghèo không ngừng gia tăng trong 6 năm qua./.
(TTXVN)
Bình luận (0)