Ngày 18.7, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhất nhằm chấn hưng nền kinh tế, bao gồm kế hoạch cắt giảm khoảng 25.000 công chức để tinh giản bộ máy hành chính, bất chấp làn sóng biểu tình lan rộng.
Theo đó, 12.500 công chức, bao gồm cả lực lượng giáo viên và cảnh sát, sẽ phải tái cơ cấu, hoặc bị mất việc vào cuối năm nay, và khoảng 15.000 người khác trong danh sách chờ bị sa thải vào năm tới. Với việc thúc đẩy các biện pháp khắc khổ kinh tế trên, Chính phủ Hy Lạp sẽ rộng đường để được nhận khoản giải cứu trị giá 9,2 tỉ USD từ Liên minh Châu Âu, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối các quyết sách của quốc hội.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đề nghị người dân hãy “hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn đang đón đợi”. Thủ tướng Samaras cũng thông báo Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đồng ý sẽ cắt giảm tạm thời thuế giá trị gia tăng đối với nhà hàng, quán càphê, quán bar từ mức 23% xuống còn 13% từ ngày 1.8, nhằm giúp ngành du lịch nước này hồi phục.
Song, những cam kết đẹp đẽ của Thủ tướng Samaras không làm yên lòng người lao động đang đối mặt nguy cơ mất việc làm, khiến 3.000 người ngày 18.7 đổ ra đường phản đối các quyết sách trên. Hy Lạp đã thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm lương, trợ cấp, tăng thuế nhằm đổi lấy gói giải cứu kinh tế trị giá hơn 315 tỉ USD kể từ năm 2010. Tuy nhiên, suy thoái – vốn đã kéo dài suốt 6 năm qua tại quốc gia từng được mệnh danh là thiên đường du lịch này – càng trầm trọng hơn, với tỉ lệ thất nghiệp lên đến 27%.
Hiện Hy Lạp có 700.000 người lao động trong khu vực công. “Bộ tam” tài trợ gói giải cứu cho Hy Lạp đánh giá, đây là khu vực hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nhiều nhất, dẫn dến tình trạng nợ công không trả nổi hiện nay.
Bình luận (0)