Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Ðiều chỉnh nguyện vọng: Không cẩn thận, điểm cao vẫn trượt

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu Bộ GD&ÐT không thay đổi kế hoạch, từ 7/8 đến 17h ngày 17/8, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ÐH năm 2021. Theo chuyên gia, nếu điều chỉnh không cẩn thận, thí sinh điểm cao vẫn có thể trượt đại học, nhưng nếu khéo tính, điểm thấp cũng có khả năng trúng tuyển như ý muốn.
 Tư vấn tuyển sinh năm 2021 của Trường ÐH Khoa học Tự nhiên, ÐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh chụp trước 27/4)
Tư vấn tuyển sinh năm 2021 của Trường ÐH Khoa học Tự nhiên, ÐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh chụp trước 27/4)

"Đạt điểm cao là điều rất vui, nhưng nếu mặt bằng chung điểm ở tổ hợp xét tuyển cũng cao, ngành chọn lại là ngành “hot” thì cũng nên thận trọng”, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nói. Ông nêu thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25-26 điểm nhưng vẫn trượt ĐH hoặc trúng tuyển vào ngành ít mong muốn.

Vì vậy, PGS. Linh khuyên trước hết, thí sinh cần rà soát lại các ngành và trường ĐH đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân; xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường. Bên cạnh đó, thí sinh nên tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề (nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc cơ hội học lên cao sau khi tốt nghiệp). Đây là việc kết hợp giữa “nhìn gần”, “nhìn xa” và lắng nghe chính mình.

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh nói rằng, từ phổ điểm Bộ GD&ÐT công bố, so sánh với phổ điểm tương ứng năm 2020, có thể thấy phổ điểm của 3 tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) tuy tương đồng, nhưng vẫn có một số thay đổi nhỏ. Ðối với tổ hợp A00, đỉnh (tổng điểm có nhiều thí sinh nhất) là 23 điểm, tương tự năm 2020. Mặc dù điểm trung bình giảm, nhưng số thí sinh đạt mức điểm 17-25 điểm cao hơn so với năm 2020. Với tổ hợp B00, số thí sinh đạt mức điểm 17-23 cũng tăng lên, đỉnh là 21 điểm. Biến động lớn nhất xảy ra ở tổ hợp A01, phổ điểm dịch sang phải, đỉnh là 22 điểm nhưng số lượng thí sinh được 21-27 điểm tăng hơn hẳn so với năm 2020.

Một việc quan trọng không thể bỏ qua là cần xem thông tin điểm chuẩn 1-2 năm gần đây của các ngành dự định đăng ký và phổ điểm các môn thi, các tổ hợp thi năm 2021, so sánh với phổ điểm năm 2019 và năm 2020 để có dự đoán xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn. Dự đoán được điểm chuẩn là việc không đơn giản.

Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo trang thông tin tuyển sinh của trường và trên phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Nếu điểm thi không được như mong muốn, thí sinh cần bình tĩnh xem điểm của mình so với phổ điểm năm nay ra sao, cao thấp hơn so với mặt bằng bao nhiêu. Thí sinh cũng cần xem lại điểm chuẩn của ngành, trường năm 2020 mà các em đã đăng ký, so sánh xem điểm đạt được thấp hơn nhiều hay ít.

Cơ hội cho thí sinh điểm thấp

Theo PGS. Linh, sau khi xem xét kỹ, nếu điểm chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25-1 điểm) so với điểm chuẩn năm trước của các ngành đã chọn thì nguyện vọng 1 và 2 vẫn nên để là những ngành thí sinh yêu thích nhất. Các nguyện vọng tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của thí sinh. Và để chắc chắn, nên đặt thêm 2-3 nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi 1-3 điểm.

Với những trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành, trường mà thí sinh đã đăng ký, cần phải cân nhắc, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên. Không nên chọn các ngành có dự báo điểm chuẩn cao hơn nhiều, ví dụ từ 3-5 điểm, so với điểm thi thực tế. Dù điểm thế nào, chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo, thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)