Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Im lặng không là vàng

Tạp Chí Giáo Dục

 

Những vụ việc gây bức xúc dư luận dồn dập xuất hiện khiến chúng ta phải tự hỏi vì sao cái xấu, cái ác lại trỗi dậy. Hình ảnh nữ sinh cấp 2, cấp 3 tụ tập đánh bạn dã man rồi quay clip tung lên mạng; sinh viên lên Facebook khoe khoang “thành tích” tông xe chết người hay mới đây dư luận lại một phen xôn xao về vụ một nữ sinh lớp 10 ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) đâm chết bạn học chỉ vì xích mích nhỏ…

Điều đáng nói, những người có các hành vi bị lên án ấy phần lớn lại đang ngồi trên ghế nhà trường. Càng đáng buồn hơn nữa khi những hiện tượng, sự việc xấu đó xảy ra có không ít người chứng kiến thế nhưng họ lại không có bất kỳ động thái nào để giúp đỡ nạn nhân, thậm chí có một bộ phận các bạn trẻ còn vô cảm đến mức quay lại clip, tung lên mạng với những lời bình luận lạnh lùng.
Như trường hợp gần đây của cô bé Thảo (học sinh lớp 10 tại huyện Châu Thành, Tiền Giang) sau khi sự việc xảy ra, một số học sinh đã quay lại toàn cảnh hiện trường và tải clip lên mạng. Vậy nhưng, không một ai dám can thiệp hay có hành động nào nhằm giúp đỡ đưa nạn nhân đi cấp cứu. Mãi đến khi thầy cô hay tin, chạy đến hiện trường, Thảo mới được đưa đến bệnh viện. Tiếc thay cô bé đã chết trên đường đi cấp cứu do đứt động mạch.
Cái ác và cái xấu rất dễ được phát hiện và ngăn chặn từ trong trứng nước bởi những người gần gũi nhất như bạn bè, người thân trong gia đình. Những người sống xung quanh a dua, xem nhẹ… chính là tiếp tay, dung dưỡng cho cái xấu và cái ác hoành hành. Giá mà có ai đó lên tiếng ngăn cản khi sự việc mới manh nha hay giúp đỡ những nạn nhân thì ắt hẳn đã không có quá nhiều sự việc đau lòng xảy ra và đã hạn chế được nhiều cái xấu.
 

Theo Sơn Trà

 

(sggp)

Bình luận (0)