IMF cảnh báo thế giới hiện đối mặt nguy cơ giá hàng hóa tăng vọt do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các cú sốc địa chính trị
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, một phần nhờ kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến. Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố hôm 30-1, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay.
Con số này cao hơn mức 2,9% được IMF dự báo hồi tháng 10-2023, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 3,8% của giai đoạn 2000-2019.
Theo trang Bloomberg, các dự báo mới nhất của IMF dựa trên giả định rằng giá cả hàng hóa, trong đó có nhiên liệu, sẽ giảm trong năm nay và năm tới.
Ngoài ra, lãi suất sẽ giảm ở các nền kinh tế lớn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong nửa đầu năm nay trước khi cắt giảm dần khi lạm phát chậm lại.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, nhận định kinh tế thế giới đang hướng đến cú "hạ cánh mềm" với lạm phát giảm đều đặn và tăng trưởng ổn định. Dù vậy, theo ông Gourinchas, tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp và có thể vẫn còn những biến động phía trước.
Theo đài CNBC, IMF cảnh báo thế giới hiện đối mặt nguy cơ giá hàng hóa tăng vọt do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các cú sốc địa chính trị, như căng thẳng ở biển Đỏ và xung đột ở Dải Gaza.
Chuyên gia Gourinchas cho biết IMF vẫn đang theo dõi sát tình hình Trung Đông nhưng nhận định kinh tế thế giới dường như vẫn chưa bị tác động nhiều bởi cuộc khủng hoảng ở đó.
IMF dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,5% năm nay. Trong ảnh: Một khu chợ ở thủ đô New Delhi – Ấn Độ hôm 30-1. Ảnh: Reuters
Một rủi ro khác là lạm phát cao dai dẳng có thể buộc các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Báo cáo của IMF cho biết chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến lạm phát giảm nhanh hơn dự báo ở hầu hết khu vực trên thế giới và đây được xem là thông tin tích cực.
IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 5,8% trong năm nay và 4,4% trong năm 2025. Tại các nền kinh tế phát triển, hai con số này lần lượt là 2,6% và 2%.
Ông Gourinchas cho rằng thế giới đang giành được thắng lợi trong trận chiến chống lạm phát. Điều này mở đường cho các ngân hàng trung ương như FED, ECB, BoE bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Dù vậy, theo IMF, thách thức của các ngân hàng trung ương là bình thường hóa chính sách tiền tệ và thực hiện một cuộc "hạ cánh êm ái" cho nền kinh tế. Các ngân hàng này được khuyến cáo không nên hạ lãi suất sớm nhưng cũng không nên trì hoãn quá lâu bước đi này.
IMF cũng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ thương mại toàn cầu phân mảnh thành các khối đối đầu nhau. Theo tổ chức này, các nước trên thế giới vào năm ngoái áp đặt khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại mới, cao gần gấp ba lần con số năm 2019.
Cũng theo báo cáo, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay. Con số này cao hơn mức 1,5% được đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 10-2023. Theo ông Gourinchas, chính sách hỗ trợ tài khóa và chi tiêu của người tiêu dùng là những yếu tố khiến IMF nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Dù vậy, tổ chức này đã cảnh báo Washington rằng một số khoản trợ cấp từ các nhà sản xuất trong nước và những chính sách công nghiệp khác có thể vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu.
Đối với khu vực sử dụng đồng euro, mức tăng trưởng trong năm 2024 là 0,9%, giảm so với con số 1,2% của lần dự báo trước đó. Với châu Á con số này là 4,5%, tăng so với mức 4,2% dự báo trước đó.
Đáng chú ý, theo IMF, kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6,5% năm nay nhờ nhu cầu nội địa phục hồi. Riêng Nhật Bản dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng giảm từ 1,9% năm 2023 xuống còn 0,9% trong năm nay.
Nỗi lo về lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp trong tháng thứ 4 liên tiếp, qua đó cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần sự hỗ trợ về chính sách. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31-1, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất đã tăng từ mức 49 trong tháng 12-2023 lên 49,2 trong tháng 1-2024. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Cũng theo NBS, PMI phi sản xuất đã tăng từ mức 50,4 trong tháng 12-2023 lên 50,7 trong tháng 1-2024. Sức mạnh của ngành dịch vụ Trung Quốc đã giúp bù đắp sự sụt giảm của ngành xây dựng trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản suy yếu. Ông Zhao Qinghe, chuyên gia của NBS, nhận định sự suy giảm trong hoạt động xây dựng là do các yếu tố như nhiệt độ thấp vào mùa đông và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Mặt khác, lao động nhập cư thường nghỉ việc sớm hơn để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình ở quê nhà trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần thúc đẩy nhu cầu đi lại và tiêu dùng. Số liệu trên được công bố một ngày sau khi IMF nâng dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc trong năm 2024 lên 4,6% (so với mức 4,2% trong lần dự báo hồi tháng 10-2023). IMF cảnh báo những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, theo IMF, Trung Quốc có thể phục hồi mạnh mẽ hơn nếu theo đuổi cải cách lĩnh vực bất động sản hoặc tăng cường hỗ trợ tài khóa để thúc đẩy niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào tuần rồi hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, giúp tăng khả năng cho vay và kích thích chi tiêu. Theo đài CNBC, PBOC cho biết vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)