Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

In hình tiền Việt Nam lên quần áo: coi chừng bị phạt nặng!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quần áo in hình tiền Việt Nam đang được rao bán nhiều trên mạng. Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm này có thể bị xử phạt hành chính rất nặng.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản rao bán quần áo có in hình tiền Việt Nam với đủ kích cỡ theo nhu cầu của người mặc, giá dao động từ 120.000 – 180.000 đồng/bộ. Không ít người đã đặt mua, một phần vì tò mò, hiếu kỳ, một phần vì hy vọng khi mặc bộ quần áo này sẽ “rước tài lộc vào người”.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hình ảnh quần áo in hình tiền Việt Nam đang bán trên mạng, nhìn qua có vẻ lạ mắt. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, hành vi sản xuất các sản phẩm này có thể bị xử phạt hành chính rất nặng.

Quần áo in hình tiền được rao bán trên mạng xã hội với giá 120.000 - 180.000 đồng/bộ
Quần áo in hình tiền được rao bán trên mạng xã hội với giá 120.000 – 180.000 đồng/bộ

Theo quy định, tiền Việt Nam bao gồm tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. In ấn hình ảnh tiền Việt Nam lên trang phục quần áo là hành vi vi phạm pháp luật.

Khoản 3, Điều 3, Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định: “Nghiêm cấm sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào mà không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.

“Đối chiếu với quy định trên, việc in ấn, bày bán các sản phẩm đã nêu sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 4, Điều 31, Nghị định 88/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng) về hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật với mức phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng. Tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp đôi, lên tới 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được”, luật sư Đức nói.

Theo Hoàng Lâm/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)